(VTC News) – Mặc dù đại gia Đặng Thành Tâm phủ nhận tin đồn bị bắt nhưng cổ phiếu KBC của công ty cổ phần Tập đoàn Kinh Bắc vẫn bị “đon ván”.
KBC bị đo ván
Kể từ phiên giao dịch 12/8, ngay sau khi Trung Quốc bắt đầu phá giá đồng nhân dân tệ, Việt Nam phá giá tiền Đồng, thị trường chứng khoán liên tục tuột dốc với tốc độ mạnh. Dù chắc chắn VN-Index chưa thể phục hồi nhưng nhà đầu tư vẫn bàng hoàng khi chứng kiến phiên giao dịch 21/8.
Đại gia Đặng Thành Tâm |
Tuy nhiên, cổ phiếu KBC của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc được chú ý hơn cả. Trong phần lớn thời gian, KBC bị bán tháo ở mức giá sàn. Tới cuối phiên, KBC may mắn thoát giá sàn nhưng sự mất mát vẫn rất lớn. KBC giảm 800 đồng/CP xuống 12.700 đồng, chỉ cao hơn giá sàn đúng 100 đồng/CP.
Có tới gần 17,5 triệu cổ phiếu KBC được giao dịch. Trong khi nhà đầu tư trong nước bán tháo KBC, khối ngoại đẩy mạnh mua vào. Hôm nay, khối ngoại mua tới 1,7 triệu cổ phiếu KBC.
KBC thê thảm một phần do biến động theo xu hướng thị trường, một phần do Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc đón nhận nhiều tin đồn không hay. Rất nhanh chóng, Kinh Bắc sớm đưa ra thông báo trấn an nhà đầu tư.
Theo đó, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc KBC phủ nhận tin đồn bị bắt. Ông Tâm khẳng định KBC vẫn đang hoạt động tốt. Sáng nay, doanh nghiệp này đang chuẩn bị ký các hợp đồng thuê đất ước tính khoảng 20 ha, tương đương hơn 300 tỷ đồng.
Mới đây, doanh nghiệp còn được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định tặng cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu. KBC còn thông báo ông Tâm sẽ mua 5 triệu cổ phiếu KBC.
Đà giảm mạnh của KBC khiến công ty Kinh Bắc và bản thân ông Tâm chịu thiệt hại nặng nề. Cụ thể, vốn hóa thị trường của Kinh Bắc “bốc hơi” 380,6 tỷ đồng chỉ trong 1 phiên. Còn tính từ 11/8, thời điểm “cuộc đua tiền tệ” do Trung Quốc khơi mào, Kinh Bắc mất tới 1.046,5 tỷ đồng.
Đại gia thê thảm
Kinh Bắc đối diện với nhiều tin đồn thất thiệt nên cổ phiếu bị bán tháo. Nhưng nhiều công ty khác, dù không có bất cứ thông nào xuất hiện, nhiều mã vẫn giảm sâu.
GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam là một trong những cổ phiếu đại gia giảm mạnh nhất trong phiên giao dịch cuối tuần. GAS giảm 2.600 đồng/CP xuống 42.900 đồng/CP. GAS khiến vốn hóa thị trường của Tổng Công ty Khí Việt Nam “bốc hơi” 4.923,9 tỷ đồng.
Nếu so với ngày 11/8, mức độ thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều vì GAS giảm tới 14.600 đồng/CP. GAS khiến vốn hóa của Tổng Công ty Khí Việt Nam mất tới 27.667 tỷ đồng. Đây là khoản mất mát vô cùng lớn với bất cứ doanh nghiệp nào ở Việt Nam.
Thời gian này, cổ phiếu PVD của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí thường song hành cùng GAS khi... đi xuống. Chốt phiên 21/8, PVD giảm sàn, giảm 2.500 đồng/CP xuống 34.300 đồng/CP. Điều đó đồng nghĩa với việc vốn hóa của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí hao hụt 871,2 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát là một trong những đơn vị bị ảnh hưởng khá nặng khi tỷ giá biến động. Trải qua 8 phiên giao dịch kể từ ngày 11/8, HPG giảm 4.300 đồng/CP. Vì vậy, vốn hóa thị trường của Tập đoàn Hòa Phát thiệt hại 3.151,7 tỷ đồng.
Gia đình đại gia Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát chịu mất mát nhiều nhất trong Tập đoàn. Có tới 792,6 tỷ đồng “bay” khỏi tài khoản của ông Long. Còn tài khoản của bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Long giảm 226,9 tỷ đồng.
Hiện tại, DongA Bank đang là đề tài được dư luận quan tâm. Nhưng do chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán nên không thể đo đếm được biến động của cổ phiếu DAF. Tuy nhiên, một số công ty có mối quan hệ mật thiết với DongA Bank như Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận và ít nhiều bị ảnh hưởng nên cổ phiếu của 2 công ty này cùng nhau đi xuống.
PNJ của Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận giảm 3.000 đồng/CP xuống 31.900 đồng/CP. Kết quả là vốn hóa thị trường của PNJ giảm 294,8 tỷ đồng. PDR của Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt giảm 1.300 đồng/CP khiến vốn hóa Phát Đạt “bốc hơi” 262,4 tỷ đồng.
Bảo Linh
Bình luận