Trong khoảng nửa tháng gần đây, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC trở thành tâm điểm của thị trường chứng khoán khi vượt qua ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần tập đoàn Vingroup để trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong khi đó, cuộc soán ngôi trong danh sách các đại gia có giá nhất Việt Nam lại diễn ra trong âm thầm. Trước đây, cổ phiếu CTD của Công ty Cổ phần Xây dựng Cotec dẫn đầu danh sách các cổ phiếu có thị giá lớn nhất cả 2 sàn TP.HCM và sàn Hà Nội.
Nhưng hiện tại, vị trí số 1 trong danh sách này đã thuộc về cổ phiếu WCS của Công ty Cổ phần Bến xe Miền Tây. Không phải là doanh nghiệp lớn nhưng Công ty Cổ phần Bến xe Miền Tây lại có tốc độ sinh lợi “khủng”.
Lợi nhuận sau thuế quý 3/2016 của WCS đạt 15,2 tỷ đồng, tăng 25% so với quý 3 năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận sau thuế đạt đến 43,8 tỷ đồng, hoàn thành 88% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm (50,03 tỷ đồng).
Hiện tại, WCS đạt vốn hóa thị trường trên 510 tỷ đồng. Với lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm 2016, tạm tính lãi cơ bản trên mỗi cố phiếu (EPS) lên đến hơn 14.500 tỷ đồng – được xem là một trong những doanh nghiệp có hiệu suất sinh lời lớn nhất sàn chứng khoán.
Vì vậy, cổ phiếu WCS có giá rất cao. Giá đóng cửa ngày 21/11 của WCS là 204.000 đồng/CP, tăng 54.950 đồng/CP, tương ứng 37% so với cuối năm 2015.
Thường xuyên nằm trong danh sách các cổ phiếu có thị giá lớn nhất thị trường nên không có gì ngạc nhiên khi cổ phiếu BMP của Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh đang đứng ở vị trí thứ 2 trong danh sách này.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/11, BMP dừng ở mức 194.500 đồng/CP. Trước đó, thậm chí, BMP còn đạt “đỉnh” ở mức 205.700 đồng/CP trong ngày 19/10. Từ đầu năm 2016 tới nay, BMP tăng khá mạnh, tăng 78,76%, tương ứng 62%.
Dù BMP cổ phiếu có giá cao nhất thị trường nhưng do lượng cổ phiếu của Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh khá khiêm tốn nên BMP không nằm trong danh sách các công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất. Vốn hóa của BMP chỉ đạt 8.846 tỷ đồng.
Từng là “quán quân” trong danh sách này nhưng cổ phiếu CTD của công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons lại đang đi lùi. CTD đang đứng ở vị trí thứ 3, đứng ngay sau WCS và BMP. Đóng cửa phiên 21/11 dừng ở mức 173.800 đồng/CP, tăng 62.650 đồng/CP, tương ứng 56% so với cuối năm 2015.
Năm nay, mặc dù dính tới lùm xùm quảng cáo cà phê nguyên chất nhưng Công ty Cổ phần VinaCafé Biên Hòa vẫn không phải thất vọng với đà tăng trưởng của cổ phiếu VCF. Sau gần 11 tháng giao dịch, VCF tăng 28.000 đồng/CP, tương ứng 21% lên 164.000 đồng/CP.
2015 là năm MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động có màn trình diễn ấn tượng. Sau nhiều đợt tăng giá liên tục, chốt phiên 21/11, MWG dừng ở mức 156.600 đồng/CP, tăng 79.500 đồng/CP, tương ứng 103%. MWG là một trong các cổ phiếu có tốc độ tăng trưởng tốt nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Không phải là cổ phiếu “nóng” nhưng MAS của Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng vẫn tăng dần đều và luôn nằm trong danh sách cổ phiếu có thị giá lớn nhất nhờ tăng trưởng kinh doanh rất tốt.
Chốt phiên 21/11, MAS dừng ở mức 150.000 đồng/CP. Mặc dù trong những ngày gần đây, MAS đang nằm trong xu hướng giảm nhẹ nhưng tính từ cuối năm 2015 đến nay, MAS duy trì tốc độ tăng trưởng khá khi tăng 18.360 đồng/CP, tương ứng 14%.
Cũng như BMP, mặc dù giá MAS khá cao nhưng giá trị Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng không quá lớn. Vốn hóa thị trường của công ty này chỉ đang đạt 451 tỷ đồng.
Bình luận