• Zalo

Đại gia chứng khoán Việt giàu lên hay nghèo đi sau một năm?

Doanh nhânChủ Nhật, 24/01/2021 10:00:00 +07:00Google News

Trong khi tài sản của chủ tịch Hoà Phát, Phát Đạt được nhân đôi năm 2020 thì ông bà chủ Vingroup, Vietjet lại sụt giảm nhẹ do biến động của thị giá cổ phiếu.

Sau một năm 2020 đầy biến động của thị trường chứng khoán, khối tài sản của những người giàu nhất trên sàn cũng thay đổi lớn, dù thứ hạng của họ phần nhiều vẫn như năm 2019. Nắm vị trí giàu nhất sàn chứng khoán Việt đều có tên trong danh sách các tỷ phú USD của Việt Nam, theo xếp hạng của Forbes. Riêng ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco, được Forbes điểm danh là tỷ phú USD nhưng doanh nghiệp của ông lại chưa niêm yết trên sàn chứng khoán.

Người gấp đôi tài sản, người giảm 7.000 tỷ đồng

Tài sản trên sàn chứng khoán của phần lớn những người giàu nhất vẫn tăng trưởng, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tổng tài sản của 10 người giàu nhất sàn chứng khoán vẫn tăng gần 35.500 tỷ đồng.

Đại gia chứng khoán Việt giàu lên hay nghèo đi sau một năm? - 1

Danh sách 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán.

Con số này nhờ sự tăng trưởng tài sản của 6 trong 10 người giàu nhất sàn chứng khoán. Trong đó, có 2 cá nhân nhân đôi tài sản là ông Trần Đình Long (Hòa Phát - cổ phiếu HPG) có thêm 19.313 tỷ đồng và ông Nguyễn Văn Đạt (Bất động sản Phát Đạt - PHR), thêm 7.277 tỷ đồng.

Hai đại gia gắn với Tập đoàn Masan (MSN) và Ngân hàng Techcombank (TCB) là các ông Nguyễn Đăng Quang, Hồ Hùng Anh cùng có thêm hơn 8.000 tỷ đồng trong năm 2020, gấp rưỡi tài sản trên sàn chứng khoán của năm 2019.

Trong khi đó, ông Bùi Thành Nhơn (Novaland - NVL), Hồ Xuân Năng (Vicostone - VCS) lần lượt tăng 2.900 tỷ đồng và 2.100 tỷ đồng, tương đương mức tăng khoảng 25% so với năm trước.

4 người sụt giảm tài sản là 3 anh em trong gia đình Chủ tịch Vingroup (ông Phạm Nhật Vượng, các bà Phạm Thu Hương - vợ ông Vượng và Phạm Thúy Hằng, em bà Hương) và CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo. Mặc dù giảm 7.000 tỷ đồng (6%) so với năm 2019, ông Vượng vẫn giữ vị trí giàu nhất sàn chứng khoán Việt. Khối tài sản của ông vẫn lớn hơn tổng tài sản của 9 người còn lại.

Ông Phạm Nhật Vượng giữ vững ngôi đầu, vị trí thứ 2 đổi chủ

Đến cuối năm 2020, giá trị tài sản trên sàn của ông Vượng lên tới 207.926 tỷ đồng. Tỷ phú giàu nhất Việt Nam hiện trực tiếp sở hữu 876 triệu cổ phiếu Vingroup. Ông Vượng đồng thời sở hữu phần lớn cổ phần của Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, pháp nhân nắm giữ hơn 1,1 tỷ cổ phiếu và là cổ đông lớn nhất của Vingroup.

Đại gia chứng khoán Việt giàu lên hay nghèo đi sau một năm? - 2

Ông Phạm Nhật Vượng giữ vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt 9 trong 10 năm gần nhất.

Cổ phiếu Vingroup là một trong những mã bluechip kết thúc năm 2020 vẫn chưa thể hồi phục về vùng giá trước dịch dù thị trường chứng khoán trải qua cơn sóng tăng điểm mạnh.

Năm 2020 chứng kiến vị trí thứ hai trên sàn chứng khoán đổi chủ sau nhiều năm, gọi tên Chủ tịch Hoà Phát Trần Đình Long. Ông Long sở hữu 864 triệu cổ phiếu Hoà Phát, tương ứng giá trị thị trường hơn 35.338 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2020. Tài sản trên sàn của ông chủ Hoà Phát cao hơn gấp đôi con số 16.450 tỷ vào cuối năm 2019.

Trong giai đoạn thị trường chứng khoán bùng nổ liên tục kể từ tháng 4/2020, Hoà Phát là một trong những cổ phiếu có mức tăng giá mạnh nhất. Cổ phiếu Hòa Phát đóng cửa năm 2020 với mức tăng gần 120% so với hồi đầu năm. Còn so với mức đáy cuối tháng 3, mã này tăng giá hơn 200%.

Hoà Phát nói riêng và một số cổ phiếu khác trong ngành thép trải qua một năm rực rỡ với đà tăng giá vượt trội so với thị trường chung. Chính sách đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ để phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19 được xem là một trong những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của cổ phiếu thép trong mắt nhà đầu tư.

Đại gia chứng khoán Việt giàu lên hay nghèo đi sau một năm? - 3

Cổ phiếu HPG tăng 120% so với đầu năm 2020 và hơn 200% so với mức đáy hồi tháng 3/2020.

Riêng Hoà Phát năm qua còn hưởng lợi nhờ nhu cầu thép gia tăng tại Trung Quốc. Đây là một trong những thị trường xuất khẩu trọng tâm của doanh nghiệp này.

Song song đó, công ty của tỷ phú Trần Đình Long cũng đưa vào vận hành thêm lò cao tại Khu liên hợp Hoà Phát - Dung Quất (Quảng Ngãi), giúp tăng đáng kể công suất, hướng đến hoàn thành mục tiêu trở thành doanh nghiệp có sản lượng thép cao nhất Việt Nam, vượt Formosa.

Trong khi đó, CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo lại tụt xuống vị trí thứ 3 trong danh sách người giàu trên sàn chứng khoán. Năm khó khăn chưa từng có trong lịch sử ngành hàng không khiến cổ phiếu Vietjet chưa thể trở lại vùng giá trước dịch.

Tài sản trên sàn của bà Thảo cuối năm 2020 đạt 26.589 tỷ đồng, giảm gần 4.000 tỷ đồng so với năm 2019. Mức sụt giảm này không quá lớn (4%) do thị giá cổ phiếu HDBank (bà Thảo sở hữu trực tiếp gần 36 triệu đơn vị) vẫn tăng trưởng năm qua.

Ông chủ Phát Đạt vào top 10

Người duy nhất trong top 10 khác với năm ngoái là ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bất động sản Phát Đạt (PDR). Từ vị trí thứ 12 trong danh sách năm 2019 với tài sản 5.250 tỷ đồng trên sàn chứng khoán, chủ tịch Phát Đạt nhảy lên hạng 8 với giá trị tài sản 12.381 tỷ đồng sau một năm.

Năm 2020 ghi nhận mức tăng gần 140% của cổ phiếu công ty bất động sản này. Cổ phiếu Phát Đạt cũng vừa đón nhận thông tin tích cực khi lọt vào danh mục VN30 từ đầu tháng 2. Đây là một trong 3 cổ phiếu được bổ sung vào rổ VN30 bên cạnh TPB (TPBank) và BVH (Bảo Việt).

Khi ông Đạt trở thành thành viên của top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, Chủ tịch Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài lại rời khỏi danh sách này. Giá trị thị trường của số cổ phiếu Thế giới Di động thuộc sở hữu của ông Tài vẫn tăng so với cùng kỳ 2019, từ 7.193 tỷ lên 7.455 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức tăng này khá khiêm tốn so với nhiều doanh nhân khác. Do đó, ông chủ Thế giới Di động xếp thứ 12 trong bảng xếp hạng tài sản trên sàn.

Cũng chính vì nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh trong năm qua nên giá trị tài sản trên sàn chứng khoán để lọt vào top 10 người giàu nhất cũng tặng vọt từ 7.193 tỷ năm 2019 lên 10.756 tỷ đồng năm 2020

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn