• Zalo

Đại gia chứng khoán ngàn tỷ ‘tự sát’ gây sốc

Kinh tếThứ Bảy, 09/04/2016 07:32:00 +07:00Google News

Giới đầu tư rất sốc khi chứng kiến đại gia chứng khoán ngàn chủ động tìm cách “kết thúc” cuộc chơi.

(VTC News) – Giới đầu tư rất sốc khi chứng kiến đại gia chứng khoán ngàn chủ động tìm cách “kết thúc” cuộc chơi.

Bất ngờ giải thể

Trong nhiều năm trở lại đây, đã có hàng triệu doanh nghiệp buộc phải giải thể vì không thể cầm cự được. Công ty Cổ phần Chứng khoán Kim Long (KLS) thì khác. Dù lỗ 68 tỷ đồng trong năm 2015 nhưng Kim Long vẫn được đánh giá là đại gia chứng khoán vì nắm giữ 2.000 tỷ đồng tiền mặt và cổ phiếu.

Với hàng ngàn tỷ đồng trong tay, Kim Long có đủ lực tìm lại lợi thế cạnh tranh cho mình. Thế nhưng, Kim Long đã biến 8/4 trở thành ngày đáng nhớ của thị trường chứng khoán Việt Nam khi bất ngờ công bố giải thể công ty và hủy niêm yết. Hành động này được ví von như việc “tự sát” vì rõ ràng Kim Long hoàn toàn có thể sống khỏe nhờ tiềm lực lớn.
Công ty chứng khoán Kim Long có thể sẽ giải thể
Công ty chứng khoán Kim Long có thể sẽ giải thể
Cụ thể, trong tài liệu họp Đại hội cổ đông tổ chức ngày 25/4 tới đây, Kim Long gây sốc khi trình Đại hội cổ đông thông qua “Phương án giải thể Công ty cổ phần chứng khoán Kim Long”. Cùng với việc giải thể công ty, Chứng khoán Kim Long cũng xin ý kiến Đại hội cổ đông thông qua việc hủy niêm yết cổ phiếu KLS trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) để giải thể công ty theo các quy định của pháp luật.

Chứng khoán Kim Long đã đưa ra phương án bảo vệ quyền lợi với cổ đông, chủ nợ, người lao động, khách hàng và sau khi tiến hành giải thể. Trong đó, phương án bảo vệ quyền lợi của cổ đông được quan tâm nhất.

Giá trị sổ sách thời điểm hiện tại của Kim Long là 12.489 đồng/CP. Trên cở sở thận trọng và trung thực khi thanh lý các tài sản của Công ty để giải thể, Hội đồng quản trị ước tính giá trị thị trường của các tài sản này có thể chỉ đạt khoảng 85% đến 90% giá trị sổ sách (mức chiết khấu khoảng 10% đến 15%). Vì vậy, giá trị thanh lý của mỗi cổ phiếu được ước tính vào khoảng 10.615 đồng- 11.240 đồng/CP.

Chốt phiên giao dịch ngày 8/4, KLS dừng ở mức 9.100 đồng/CP. Như vậy, với mức giá mà công ty đưa ra, cổ đông vẫn có lời.

Hiện tại, vốn hóa thị trường của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kim Long là 1.658 tỷ đồng. Có thời, cùng với PVS, KBC, cổ phiếu KLS là một trong những ông lớn của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Vì sao nên nỗi?

Ngay sau khi Chứng khoán Kim Long công bố kế hoạch giải thể, câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra nhất chính là vì sao Kim Long phải chọn “cách đường cùng này” và liệu Kim Long có cách nào tránh được kết cục này không.

Có thể thấy, nhìn vào kết quả kinh doanh, năm 2015, Kim Long chịu khoản lỗ 68 tỷ đồng. Còn tính theo quý, số lần thua lỗ còn nhiều hơn. Số tiền thua lỗ trong quý 4/2015, quý 3/2015, quý 1/2015 lần lượt là 22,5 tỷ đồng, 45,4 tỷ đồng và 39 tỷ đồng.

Tồi tệ nhất là năm 2010, Chứng khoán Kim Long thua lỗ 173 tỷ đồng dù năm trước đó công ty lãi tới 352 tỷ đồng. Kết quả là cổ phiếu KLS giao dịch dưới mệnh giá trong suốt thời gian dài qua dù giá trị sổ sách của KLS đạt 12.489 đồng/CP.

Dù nhận thấy những số liệu này không được “đẹp” nhưng giới đầu tư vẫn sốc khi Kim Long chủ động dừng cuộc chơi. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty lại cho rằng đây là ý kiến của cổ đông.

Chia sẻ với ĐTCK, ông Hà Hoài Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần chứng khoán Kim Long cho biết một số cổ đông KLS đã có kiến nghị Công ty giải thể, trả lại tiền cho cổ đông. Nguyên nhân là do KLS chủ yếu giao dịch ở mức 6.000-7.000 đồng/CP. Trong khi giá trị còn lại được chia của mỗi cổ phiếu ước tính là khoảng 11.000 đồng. Mức chênh lệch này khiến cổ đông muốn công ty giải thể để có được khoản lợi ích nhiều hơn.

“Xét trên quyền lợi của cổ đông, việc này hợp lý và đây cũng là quyền của họ. Sau nhiều trăn trở, HĐQT quyết định trình Đại hội đồng cổ đông phương án giải thể KLS” – Ông Hà Hoài Nam khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Nam còn chia sẻ thêm nguyên nhân khiến KLS dừng cuộc chơi. Theo ông Nam, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa đủ lớn để có nhiều công ty chứng khoán. Vì thế hoạt động của khối công ty chứng khoán nhìn chung còn nhiều khó khăn.

Với KLS, hiệu quả hoạt động 3 năm qua cho thấy: hai năm trước, Công ty trả cổ tức cho cổ đông ở mức 8% và 7%, nhưng năm 2016 sẽ không trả được cổ tức, vì năm 2015 Công ty lỗ. Hiệu quả hoạt động của KLS như vậy là không tốt.

Trước đó, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty chứng khoán Sài Gòn SSI tiết lộ hai bên đã có lúc ngồi với nhau để đặt vấn đề sáp nhập hai công ty, nhưng cuối cùng đã không đi đến thống nhất, vì vậy đã chấm dứt phương án này.


Thanh Hà

Bình luận
vtcnews.vn