Đầu tư các nhà máy thức ăn chăn nuôi, nhập heo giống, Tập đoàn Hòa Phát nối gót các “đại gia” hàng đầu thị trường chứng khoán tiến vào thị trường nông nghiệp. Song, theo các chuyên gia, lĩnh vực này không dễ “ngon ăn” nếu chỉ đầu tư kiểu “hớt ngọn” như một số doanh nghiệp đang làm vừa qua.
Đại gia thép chạy theo trào lưu “Vườn-ao-chuồng”
Ngày 26/5 vừa qua, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) lần đầu tiên nhập khẩu gần 500 con heo giống từ Đan Mạch. Tập đoàn này đặt mục tiêu bắt đầu cung cấp lợn thịt, lợn giống từ đầu năm 2018 và tăng lên 650.000 đầu lợn vào năm 2021.
Như vậy, HPG đã không nói chơi khi tuyên bố “tấn công” vào thị trường nông nghiệp. Sau khi đầu tư 300 tỷ đồng xây dựng các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hồi đầu năm 2015, tháng 3 vừa qua, HPG công bố tiếp tục rót thêm gần 2.500 tỷ đồng thành lập Công ty CP Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát. Ông Trần Tuấn Dương, Phó chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc HPG cho biết, mục tiêu của doanh nghiệp là quản lý khép kín từ thức ăn, con giống đến cung cấp thực phẩm đến người tiêu dùng. Theo đó, đến năm 2020, HPG đạt 1 triệu tấn thức ăn gia súc, 1 triệu đầu lợn, doanh thu 15-20 nghìn tỷ đồng?
Để “làm ăn” với lĩnh vực nông nghiệp, phải bắt đầu từ đầu tư nghiên cứu, có kỹ thuật rồi xây nhà xưởng, mua giống... Trong khi thực tế, các doanh nghiệp của ta làm ngược lại.
GS Võ Tòng Xuân
Theo GS Võ Tòng Xuân, để “làm ăn” với lĩnh vực nông nghiệp, phải bắt đầu từ đầu tư nghiên cứu, có kỹ thuật rồi xây nhà xưởng, mua giống... Trong khi thực tế, các doanh nghiệp của ta làm ngược lại.
“Cùng trong giới khoa học với nhau, tôi chưa bao giờ nghe thông tin mấy doanh nghiệp lớn như HAG hay HPG đầu tư nghiên cứu về lĩnh vực họ mới tham gia cả. Theo đánh giá của tôi, nếu chỉ xây nhà xưởng, nhập giống về nuôi trồng thì gọi là làm chơi chơi, không dễ ăn và càng khó đi đường dài”, ông Xuân nói.
Việc đại gia thép HPG quyết định đi... chăn nuôi lợn với một mục tiêu đầy tham vọng gây tò mò cho không ít nhà đầu tư. Cũng đã không ít câu hỏi nghi ngại được đặt ra: Phải chăng thương hiệu quen thuộc trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, bất động sản này đang chạy theo trào lưu “vườn-ao- chuồng” mà một số ông chủ giàu nhất trên sàn chứng khoán đã tiên phong trước đó.
Điển hình như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của Bầu Đức, từ sản xuất gỗ, “phất” mạnh khi đầu tư, kinh doanh bất động sản, rồi chuyển hướng sang trồng trọt (cao su, mía đường, dầu cọ, ngô...), chăn nuôi. Cuối tháng 3, Công ty CP dinh dưỡng Anco thuộc Tập đoàn Masan đã bỏ ra 1.424 tỷ đồng mua hơn 11 triệu cổ phần của Công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) - một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành Thực phẩm, chuyên về sản xuất kinh doanh thịt tươi sống, đông lạnh và thực phẩm chế biến từ thịt.
Cùng thời điểm đó, 2 công ty T&T Group và Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội của “Bầu Hiển” - ông chủ của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tài chính, ngân hàng cũng đã trở thành cổ đông chiến lược nắm giữ 50% vốn của Tổng công ty Rau quả Nông sản - Vegatexco...
Không dễ “ngon ăn”?
Được đánh giá là một thị trường tiềm năng với quy mô khoảng 40 tỷ USD/năm, nên việc các đại gia hàng đầu trên thị trường chứng khoán nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp không có gì khó hiểu. Song, đầu tư vào nông nghiệp có thực sự “ngon ăn” với các ông chủ “chân ướt chân ráo” là một câu hỏi không dễ trả lời.
Trùng hợp với thời điểm HPG nhập 500 con heo giống đầu tiên, cuối tháng 5 vừa qua, HAG bị UBND tỉnh Kon Tum thống nhất thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án trồng cỏ, nuôi bò thịt công nghệ cao 1.600 tỷ đồng tại huyện H’Drai. Lý do, nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án, dù doanh thu bán bò năm 2015 của HAG hơn 2.541 tỷ đồng (chiếm 41% tổng doanh thu thuần của tập đoàn) và chỉ riêng quý I/2016 là 1.233 tỷ đồng (chiếm 63% doanh thu). Cùng đó, UBND tỉnh Gia Lai cũng ra quyết định thu hồi hơn 50 ha đất (được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 2011-2042) đang trồng hồ tiêu của HAG giao cho doanh nghiệp khác tiếp tục đầu tư, chăm sóc. Dù là nguyên nhân gì cũng có thể thấy rằng 2 dự án đầu tư vào nông nghiệp này của Bầu Đức đã thất bại!
Từ câu chuyện của Bầu Đức, PV Báo Giao thông đặt câu hỏi với GS.TS. Võ Tòng Xuân: Để đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, ngoài tiềm lực tài chính, quản trị, kênh phân phối, thương hiệu - vốn là thế mạnh vượt trội của các “đại gia tay ngang” nói trên, cần thêm yếu tố gì? Ông Xuân cho rằng, yếu tố cốt lõi, là các doanh nghiệp phát huy được lợi thế trên vùng sinh thái nuôi, trồng sản phẩm mới mong thành công.
Ông Xuân dẫn chứng từ trường hợp của HAG, khi trồng mía đường, dù họ đầu tư khá bài bản như: Thuê nhân lực có chuyên môn, nhập giống ngoại, cơ giới hóa sản xuất... song sản lượng, chất lượng chỉ tốt trong lứa đầu, tới lứa thứ hai đã “đuối” dần.
Để có được chi phí sản xuất thấp như vậy, theo ông Xuân, các doanh nghiệp đều phải đầu tư rất lớn cho công tác nghiên cứu khoa học. Chẳng hạn như Công ty Mía đường của Thái Lan, mỗi năm chi tới 15 triệu USD, thậm chí tại Công ty Chăn nuôi CP, con số này lên tới mấy tỷ USD, chưa kể nguồn đầu tư từ Chính phủ cho hoạt động nghiên cứu. Có như vậy, doanh nghiệp mới đưa ra được phương án tối ưu về lựa chọn con giống, thức ăn, ngừa dịch bệnh... để kiểm soát thấp nhất giá thành.
Trong khi tại Việt Nam, những doanh nghiệp mới tham gia nông nghiệp kiểu như HAG, cách thức chủ yếu là nhập giống ngoại, sao chép kỹ thuật nên “ăn may thì thắng” một hai vụ, song không thể cho kết quả bền vững.
Thực tế cho thấy, giá thành sản xuất một tấn mía tại Úc chỉ 18 USD, Thái Lan 30 USD trong khi Việt Nam lên tới 50 USD. “Giá thành cao như vậy, cạnh tranh sao nổi, nên không sớm thì muộn cũng “chết”, ông Xuân nhận xét.
Chung quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam cho rằng, tiềm năng thị trường nông nghiệp còn rất lớn, như rau quả sạch, hữu cơ, quy trình làm chín quả an toàn...
Tuy nhiên, bên cạnh những vấn đề về đất đai, hạ tầng, các doanh nghiệp “ngoài ngành” cũng sẽ gặp thách thức không nhỏ là kỹ thuật và con giống. Do vậy, từ những kinh nghiệm thành công, ông Châu cho rằng, doanh nghiệp cần chọn những người giàu kinh nghiệm để tư vấn kỹ thuật, làm ở quy mô nhỏ, nghiệm thu rồi mới mở rộng”, ông Châu nói.
Bình luận