• Zalo

Đại gia bay đi Mỹ, 8 ngân hàng ôm hận 1.600 tỷ đồng

Kinh tếThứ Tư, 22/07/2015 07:34:00 +07:00Google News

Ôm nợ gốc gần 1.600 tỷ đồng của 8 ngân hàng rồi cùng vợ trốn sang Mỹ, đại gia thủy sản miền Tây khiến 25 lãnh đạo, cán bộ ngân hàng phải ra tòa.

Ôm nợ gốc gần 1.600 tỷ đồng của 8 ngân hàng rồi cùng vợ trốn sang Mỹ, đại gia thủy sản miền Tây khiến 25 lãnh đạo, cán bộ ngân hàng phải ra tòa.

Sáng nay, 20/7, TAND tỉnh Sóc Trăng mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Chế biến thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng) và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại các ngân hàng (NH). Đây là 1 trong 10 vụ “đại án” đặc biệt nghiêm trọng từng được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo xử lý.

Lấy tiền lừa đảo… xây lâu đài

Công ty TNHH Phương Nam được thành lập vào năm 1998, 2 năm sau chuyển thành Công ty CP Chế biến thực phẩm Phương Nam (Công ty Phương Nam). Ngành nghề kinh doanh của công ty là thu mua, chế biến tôm; mua bán thức ăn cho tôm, vật tư phục vụ nuôi tôm.

Cổ đông của công ty gồm: bị can Lâm Ngọc Khuân (SN 1953, nguyên chủ tịch HĐQT), Trần Thị Mỹ (vợ Khuân), bị can Lâm Ngọc Hân (con gái Khuân, Việt kiều Mỹ, nguyên giám đốc công ty) và Huỳnh Phúc Quế (cháu Khuân).


Bị can Khuân cùng con gái là bị can Lâm Ngọc Hân đang trốn ở Mỹ
Bị can Khuân cùng con gái là bị can Lâm Ngọc Hân đang trốn ở Mỹ 
Từ năm 2008 đến cuối tháng 9/2012, dù kinh doanh thua lỗ trên 996 tỷ đồng nhưng Khuân chỉ đạo cho con gái và cấp dưới thực hiện nhiều hành vi gian dối để vay tiền các NH. Theo đó, Khuân chỉ đạo lập 19 báo cáo tài chính khống cho thấy công ty kinh doanh có lãi gần 41 tỷ đồng và nâng khống lượng hàng hóa tồn kho có giá trị từ 123 tỷ đồng lên trên 747 tỷ đồng để thế chấp tại các NH vay vốn.


Ngoài ra, Khuân còn chỉ đạo sử dụng một bộ chứng từ mua tôm nguyên liệu, chi phí sản xuất rồi copy ra thành nhiều bản, sau đó xác nhận sao y bản chính từ con dấu của công ty để gửi đến các NH giải ngân, sau đó chiếm đoạt, sử dụng vào mục đích chi tiêu cá nhân.

Cụ thể, từ năm 2008 - 2011, bị can Khuân và vợ dùng trên 28 tỷ đồng từ nguồn vay của các tổ chức tín dụng để xây biệt thự bề thế tại TP Sóc Trăng. Sau đó, Khuân làm thủ tục hợp thức hóa biệt thự cho vợ đứng tên chủ sở hữu. Cũng trong thời gian này, bị can Khuân chỉ đạo con gái và kế toán trưởng là bị can Lâm Ngọc Mẫn chi tạm ứng gần 72 tỷ đồng với lý do đi công tác nước ngoài, tiếp khách…

Cuối năm 2011, Khuân và vợ lấy lý do xuất cảnh sang Mỹ để trị bệnh. Khi các NH phát hiện Công ty Phương Nam mất khả năng trả nợ, yêu cầu Khuân trở về giải quyết công nợ nhưng bị can này vẫn bặt tăm cho đến nay.

Sau hơn 8 tháng thay cha điều hành công ty, giữa tháng 7-2012, bị can Hân cũng xuất cảnh sang Mỹ, để lại món nợ trên 1.752 tỷ đồng tại 8 NH, trong đó nợ gốc gần 1.600 tỷ đồng.

Cha con bị can Khuân đang bị Bộ Công an phát lệnh truy nã quốc tế.

Cán bộ ngân hàng tiếp tay

Trong tổng số nợ gốc của Công ty Phương Nam, có 3 NH bị nợ nhiều nhất là NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Chi nhánh Sóc Trăng trên 498 tỷ đồng (làm tròn số), NH TMCP Bưu điện Liên Việt - Sở Giao dịch Hậu Giang (LPB Hậu Giang) 328 tỷ đồng và NH Phát triển Việt Nam Chi nhánh Sóc Trăng (VDB Sóc Trăng) 341 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi có kết luận điều tra của Bộ Công an, VKSND Tối cao chỉ truy tố 25 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ của 5 chi nhánh NH, gồm: VDB Sóc Trăng, LPB Hậu Giang, NH TMCP Sài Gòn Thương Tín Chi nhánh Sóc Trăng (Sacombank Sóc Trăng), NH TMCP An Bình Chi nhánh Bạc Liêu (ABBank Bạc Liêu) và NH TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Sóc Trăng (VCB Sóc Trăng). Riêng sai phạm tại NH NN-PTNT Chi nhánh Sóc Trăng cùng với NH Liên doanh Việt Thái và NH Công Thương Việt Nam Chi nhánh Sóc Trăng đang được Cơ quan CSĐT Bộ Công an tách riêng để điều tra xử lý sau.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, căn cứ vào tài liệu điều tra, có cơ sở xác định hành vi vi phạm quy định cho vay của cán bộ tại 5 chi nhánh NH nói trên. Điển hình, mặc dù biết việc cán bộ tín dụng và tổ thẩm định tài sản thế chấp không kiểm tra thực tế, chỉ dựa vào báo cáo của Công ty Phương Nam để lập báo cáo thẩm định nhưng bị can Nguyễn Thế Thắng (nguyên giám đốc VDB Sóc Trăng) vẫn ký duyệt giải ngân 19 lần với số tiền 135 tỷ đồng.

Tương tự, bị can Đỗ Hùng Sở (nguyên giám đốc LPB Hậu Giang) không chỉ đạo cấp dưới kiểm tra, xác minh tài sản của Công ty Phương Nam đem thế chấp cho NH khác, không chỉ đạo kiểm tra thực tế hàng tồn kho, khi ký giải ngân đã không kiểm tra lại hồ sơ mà cán bộ cấp dưới trình, dẫn đến hồ sơ giải ngân phần lớn là chứng từ mua hàng hóa photo copy… Bị can Sở là người chịu trách nhiệm chính trong việc ký giải ngân 33 khế ước trị giá gần 120 tỷ đồng và 4.585.000 USD.

Đối với bị can Nguyễn Thanh Long (nguyên giám đốc Sacombank Sóc Trăng), mặc dù biết Công ty Phương Nam sử dụng vốn sai mục đích nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới giải ngân, dẫn đến việc bị Khuân và đồng bọn chiếm đoạt nợ gốc gần 147 tỷ đồng. Trong khi đó, bị can Nguyễn Văn Sơn (nguyên giám đốc ABBank Bạc Liêu), dù biết rõ Công ty Phương Nam còn nợ trên 42 tỷ đồng và không có khả năng thanh toán nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục giải ngân trên 83 tỷ đồng để công ty trả nợ cũ, qua đó bị chiếm đoạt trên 80 tỷ đồng.

Ngoài 25 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ NH còn có 2 bị can giúp sức cho Khuân lừa đảo cũng bị truy tố trước tòa. Đó là Lâm Minh Mẫn (nguyên kế toán trưởng) và Trần Thị Hồng Phương (nguyên phó giám đốc phụ trách kinh doanh của Công ty Phương Nam).

Vào giữa tháng 1/2015, TAND TP Cần Thơ đã tuyên phạt 20 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Thị Thu Sương (nguyên phó giám đốc Công ty TNHH An Khang, trụ sở đặt tại KCN Trà Nóc II, TP Cần Thơ) vì đã cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt trên 190 tỷ đồng của 5 NH, trong đó có NH TMCP An Bình, NH TMCP Công Thương và NH Phát triển Việt Nam. Liên quan đến vụ án, 8 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ của chi nhánh một số NH đã bị phạt từ 3 năm tù treo đến 10 năm tù giam.

Nguồn:Người lao động
Bình luận
vtcnews.vn