• Zalo

Đại gia bất động sản sàm sỡ cô gái trên máy bay: Chỉ giống vụ phạt 200 ngàn trong thang máy?

Pháp luậtChủ Nhật, 28/07/2019 16:49:00 +07:00Google News

Luật sư cho hay, hành vi sàm sỡ ở Việt Nam chỉ bị xử phạt hành chính với mức phạt 200 ngàn đồng, giống như vụ “người đàn ông sàm sỡ trong thang máy”.

Trả lời VTC News, luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư TP.HCM, sự việc hành khách thương gia bị Hãng Vietnam Airlines từ chối phục vụ vì lý do say xỉn, có dấu hiệu sàm sỡ người khác thì cần áp dụng khung hình phạt cao nhất.

Luật sư Hùng cho hay, ở nước ngoài hành vi này sẽ được quy vào tội quấy rối tình dục với mức hình phạt được áp dụng rất nặng. Còn ở Việt Nam, theo quy định của pháp luật, hành vi này chỉ bị xử phạt hành chính với mức phạt 200 ngàn đồng, giống như vụ “người đàn ông sàm sỡ trong thang máy”.

"Trong lĩnh vực hàng không, theo quy định tại Khoản 5 Điều 26 Nghị định 162/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, khách "có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhân viên hàng không, hành khách trên tàu bay mà chưa đến mức độ phải truy cứu trách nhiệm hình sự" sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 7 - 10 triệu đồng.

Trường hợp vị khách thương gia bị say xỉn, nếu có kết luận xác định có hành vi sàm sỡ thì sẽ áp dụng theo quy định này để xử lý", ông Hùng nói.

vu-anh-cuong-dat-lanh

 Hành khách thuong gia bị nhân viên yêu cầu rời khỏi máy bay.

Theo luật sư Hùng, cũng cần xem xét nữ hành khách - người tố bị vị khách thương gia sàm sỡ trên máy bay – đã đủ tuổi vị thành niên chưa. Nếu chưa đủ tuổi thì sẽ có thêm tình tiết tăng nặng đối với người có hành vi sàm sỡ.

Luật sư Trần Minh Hùng nhấn mạnh, dù pháp luật Việt Nam chưa quy định hành vi sàm sỡ thành tội danh quấy rối tình dục, nhưng đây là hành vi bị dư luận lên án mạnh mẽ. Sự việc “người đàn ông sàm sỡ trong thang máy” hay vụ án Nguyễn Hữu Linh bị truy tố về tội "Dâm ô với người dưới 16 tuổi" là những ví dụ cho thấy sự phản ứng gay gắt của dư luận đối với những hành vi sàm sỡ, quấy rối người khác.

 
Quấy rối tình dục ngày càng xuất hiện nhiều hơn, gây tâm lý hoang mang đối với người bị hại. Vì vậy cần sớm đưa hành vi quấy rối tình dục vào luật.

Luật sư Trần Minh Hùng

Báo cáo nghiên cứu về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam do Bộ Lao động, Thương binh và xã hội thực hiện với sự giúp đỡ của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho thấy, chiếm phần lớn các nạn nhân bị quấy rối tình dục ở Việt Nam là nữ giới (78,2%) và độ tuổi của các nạn nhân này (trong khoảng từ 18 đến 30).

Ở Việt Nam, quấy rối tình dục tại nơi làm việc và trong xã hội được nhìn nhận như một vấn đề nhạy cảm, khó nói nên có rất ít thông tin để chia sẻ. Tuy nhiên trên thực tế, những hình thức thể hiện của hành vi này lại rất phong phú, có thể được biểu thị dưới dạng hành động, cử chỉ, lời nói và thậm chí là không bằng lời nói khiến cho “nạn nhân” hết sức bức xúc.

“Quấy rối tình dục ngày càng xuất hiện nhiều hơn, gây tâm lý hoang mang đối với người bị hại. Vì vậy cần sớm đưa hành vi quấy rối tình dục vào luật”, LS Hùng kiến nghị.

Trước đó, xác nhận từ Cảng vụ Hàng không miền Bắc, ngày 26/7, đơn vị này nhận được báo cáo từ Vietnam Airlines về việc từ chối phục vụ một hành khách do người này bị say xỉn. Hành khách này sau đó được xác nhận là ông Vũ Anh Cường - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Đất Lành.

Trả lời VTC News, ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho biết, hiện nay đơn vị này mới nhận được thông tin cơ trưởng VN253 từ Hà Nội đi TP.HCM của Vietnam Airlines quyết định từ chối phục vụ một nam hành khách say xỉn, chưa có thông tin về việc có quấy rối tình dục hay không.

Theo ông Phương, trong trường hợp xác định có dấu hiệu vi phạm hình sự về việc quấy rối tình dục, sẽ chuyển vụ việc cho cơ quan công an để điều tra, làm rõ. Trường hợp chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, Cảng vụ Hàng không miền Bắc sẽ xem xét xử lý vi phạm hành chính.

Linh Phi
Bình luận
vtcnews.vn