• Zalo

Đại diện VKS Hà Nội: 'Ông Đinh La Thăng và đồng phạm cố ý làm trái'

Pháp luậtThứ Bảy, 24/03/2018 13:24:00 +07:00Google News

Đại diện VKS Hà Nội đã lấy lời khai của ông Đinh La Thăng để cáo buộc chính ông là người chuyên quyền, độc đoán ngay tại phiên tòa sáng 24/3.

Sáng 24/3, trong phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và 6 đồng phạm liên quan đến việc góp 800 tỷ đồng vào ngân hàng CPTP Đại Dương (Oceanbank), đại diện Viện kiểm sát Nhân dân (VKS ND) TP Hà Nội đã có quan điểm đối đáp đối với các bị cáo và các luật sư bào chữa

Trước đó, trong bài bào chữa bảo vệ cho bị cáo Đinh La Thăng, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng: "Các thành viên của HĐQT đã biết việc bị cáo Thăng kí Nghị quyết 6934 ngày 18/9/2009 với Hà Văn Thắm. Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Sơn và ông Nguyễn Ngọc Sự là thành viên HĐQT nên khi báo cáo việc thỏa thuận góp vốn vào Oceanbank đương nhiên của HĐQT đồng ý".

Về vấn đề này, vị đại diện VKS khẳng định, ông Nguyễn Xuân Sơn chỉ là Trưởng ban trù bị của ngân hàng CPTM Hồng Việt, ông Nguyễn Ngọc Sự chỉ là Phó TGĐ phụ trách Tài chính kế toán của PVN và họ không phải là thành viên của HĐQT.

dinh-la-thang

Đại diện VKS ND TP Hà Nội. (Ảnh: Kim Thược)

Việc thỏa thuận kí kết giữa bị cáo Đinh La Thăng và Hà Văn Thắm từ ngày 18/9/2008 nhưng các thành viên của HĐTV chỉ biết đến thỏa thuận này tại cuộc họp ngày 30/9/2008.

Mặt khác, theo quy định về "Điều lệ tổ chức hoạt động ban hành kèm theo quyết định của Chính phủ" và "Chế độ làm việc của HĐQT của Tập đoàn PVN" thì vấn đề này phải được HĐQT PVN thảo luận, lấy ý kiến biểu quyết theo nguyên tắc. Do đó, ý kiến của luật sư cho rằng các thành viên HĐQT đã biết và coi đó là mặc nhiên thống nhất đồng ý là không có căn cứ.

Theo đại diện VKS, bản thân bị cáo Đinh La Thăng cũng ý thức được vi phạm này nên vào đầu năm 2017, khi bị Ủy ban kiểm tra Trung ương kiểm tra, bị cáo đã nhờ các ông bà: Hoàng Xuân Hùng, Trần Ngọc Cảnh, Phan Thị Hòa, Đỗ Văn Đạo - nguyên thành viên HĐQT PVN xác nhận bị cáo đã có bàn bạc, thống nhất về việc chủ trương đầu tư và giao cho bị cáo Thăng thực hiện.

Do cả nể nên ông Hùng, ông Cảnh, bà Hòa đã kí xác nhận cho Đinh La Thăng vào giấy xác nhận ngày 28/3/2017. Chỉ ông Đạo đã không kí xác nhận theo đề nghị của ông Đinh La Thăng.

Về nội dung các luật sư và bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, không có quy định nào của pháp luật là phải Chính phủ trước khi kí Nghị quyết và xin ý kiến của Thủ tướng trước khi kí nghị quyết, phía đại diện VKS đưa ra một số quan điểm đối đáp.

Các bị cáo biết rõ nguyên tắc của pháp luật đối với công chức khi thực hiện nhiệm vụ đó là: "Những gì cần xin chủ trương thì phải được các cấp có thẩm quyền xem xét về mặt chủ trương, sau đó mới được phép triển khai các trình tự, thủ tục tiếp theo theo cơ sở, chủ trương đó".

Nhấn mạnh việc thực hiện này để đảm bảo cho sự nhất quán trong điều hành kinh tế tránh thiệt hại xảy ra, Thủ tướng đã có công văn 3780 ngày 6/6/2008 yêu cầu đối với các Tập đoàn doanh nghiệp nhà nước: "Từ nay việc đầu tư của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng phải báo cáo Thủ tướng trước khi thực hiện. Các bị cáo buộc phải biết và thực hiện nguyên tắc này".

Đại diện VKS chứng minh rằng, nếu bị cáo Đinh La Thăng không có chủ trương, không chỉ đạo cho Ban TGĐ PVN tìm đối tác và đàm phán với Hà Văn Thắm thì bị cáo Nguyễn Xuân Sơn sẽ không dám đi thương lượng với Hà Văn Thắm. Tiếp theo đó, để có báo cáo, đánh giá về tình hình năng lực của Oceanbank trình cho Đinh La Thăng với tư cách là Chủ tịch HĐQT.

dinhlathang

Ông Đinh La Thăng trong phiên tòa sáng 24/3. (Ảnh: Kim Thược)

"Trước tiên, các bị cáo đều là cán bộ cao cấp trong bộ máy quản lý của Nhà nước, từng kinh qua rất nhiều vị trí công tác khác nhau, giữ nhiều cương vị quản lý khác nhau, đặc biệt là bị cáo Đinh La Thăng.

Điều này thể hiện, muốn làm được điều gì thì phải được sự đồng ý của người có thẩm quyền, người có thẩm quyền cho chủ trương thì mới được thực hiện. Hành vi của bị cáo Đinh La Thăng như trong luận tội của VKS "làm trước và báo cáo sau" là vi phạm pháp luật", vị đại điện VKS nói.

Về yêu cầu làm rõ việc Ngân hàng Nhà nước mua Oceanbank với giá 0 đồng năm 2015, vị đại diện VKS cho hay: "Việc quyết mua bắt buộc Oceanbank giá 0 đồng vẫn còn nguyên giá trị pháp luật. Rõ ràng, điều này xuất phát từ thực trạng hoạt động kinh doanh của Oceanbank trước yêu cầu an ninh, tài chính và quyền lợi của người nhận với chức năng quản lý nhà nước thì Ngân hàng Nhà nước phải mua lại Oceanbank là đòi hỏi tất yếu".

Việc có nhiều ý kiến cho rằng giá mua 0 đồng là không hợp lệ, được đại viện VKS giải thích: "Việc mua đã có định giá về giá trị vốn sở hữu tại thời điểm xác nhận là con số âm, Ngân hàng nhà nước yêu cầu cổ đông nộp tiền nhưng họ không nộp tiền và không có khả năng thực hiện nên đủ căn cứ xác định vốn sở hữu của Oceanbank là không còn giá trị. Việc ngân hàng nhà nước mua 0 đồng là có lợi cho các cổ đông".

"Nhà nước gánh một hậu quả nợ cũng như việc phát sinh khác. Theo biên bản trả lời của NHNN thì việc mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần của Oceanbank với giá 0 đồng là có cơ sở pháp lý.

Từ những phân tích đó, tại thời điểm này không có căn cứ nào có thể bác được việc mua 0 đồng của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy ý kiến của các luật sư và các bị cáo khác nêu ra là không có cơ sở", vị đại diện VKS cho hay.

Đối với hành vi kí quyết định góp vốn 100 tỷ đồng (góp vốn lần 3) nâng vốn điều lệ của PVN tại Oceanbank lên 20%, vượt quá 5% theo quy định của Luật tổ chức tín dụng, đại diện VKS cho rằng, hành vi này của các bị cáo Thăng vi phạm vào Điều lệ tổ chức hoạt động của PVN.

Việc các bị cáo Thăng và các bị cáo khác cho rằng không cố ý thực hiện hành vi, không biết những hành vi đó là sai đây chỉ là nhận thực ngụy biện của các bị cáo.

Theo lời của vị đại diện VKS, một trong những điều kiện, tiêu chuẩn để được Thủ tướng bổ nhiệm là Thành viên HĐQT là phải hiểu biết pháp luật và chấp hành pháp luật, đặc biệt là công chức thì phải buộc có hiểu biết pháp luật. Luật đã có hiệu lực thì buộc phải thi hành. Pháp luật không loại trừ những người không hiểu biết pháp luật để vi phạm pháp luật.

Trong vụ án này, VKS có thông cảm với các bị cáo khác về việc phải thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của bị cáo Đinh La Thăng trong việc góp vốn vào Oceanbank như bị cáo Thăng đã khai nhận tại phiên tòa là: "Đối với tất cả các nghị quyết, quyết định cần phải lấy biểu quyết của HĐQT thì chỉ cần có 1 thành viên không tham gia, không đồng ý là tôi cho dừng lại ngay".

"Điều đó thể hiện tính chuyên quyền và độc đoán của bị cáo Đinh La Thăng. Tuy nhiên, cũng có những thành viên khác, họ cũng là những người có trách nhiệm trong HĐQT, giống như các bị cáo, họ đã có nhận thức pháp luật và có ý thức tuân thủ đúng pháp luật nên không có lỗi và không vi phạm pháp luật. Điển hình ở đây là Hoàng Xuân Hùng. Tức là, khi ông này nhận được Tờ trình để phê duyệt việc tham gia góp vốn thì ông thấy chủ trương này cần phải xem xét lại, do vậy ông đã có ý kiến xem xét lại, thấy không đúng pháp luật và yêu cầu được làm rõ.

Điều này cho thấy, trong cùng một bộ máy, cùng chức vụ quyền hạn, có trách nhiệm như nhau nhưng ý thức tuân thủ pháp luật khác nhau nên các bị cáo không thể biện minh cho mình rằng không cố ý thực hiện hành vi làm trái quy định của Nhà nước", vị đại diện VKS nói.

Video: Ông Đinh La Thăng bị đề nghị mức án 18-19 năm tù

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn