Video thể hiện Hoàng Văn Hưng nhận chiếc cặp số nghi chứa tiền của cựu Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn.
Sáng 21/7, tiếp tục phiên toà sơ thẩm đại án "chuyến bay giải cứu", đại điện Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội nêu quan điểm đối đáp phần bào chữa của bị cáo Hoàng Văn Hưng - cựu Trưởng phòng Chính trị hậu cần (Cục An ninh điều tra, Bộ Công an) và luật sư về cáo buộc lừa đảo chạy án, chiếm đoạt 800.000 USD.
Đại diện VKS Hà Nội khẳng định việc khởi tố, điều tra, truy tố là hết sức thận trọng, đảm bảo khách quan, đúng theo quy định của pháp luật.
"Việc này không chỉ ảnh hưởng đến danh dự của bị cáo mà còn là uy tín của Cục An ninh điều tra, Bộ Công an", đại diện Viện Kiểm sát nói.
Đại diện Viện Kiểm sát cho biết, việc khởi tố bị cáo Hưng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được chứng minh trên "hệ thống chứng cứ" bởi việc đưa - nhận tiền chỉ có Hoàng Văn Hưng và Nguyễn Anh Tuấn - cựu Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội biết với nhau.
Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên toà, bị cáo Tuấn đã thừa nhận hành vi phạm tội, còn bị cáo Hưng không thừa nhận hành vi.
"Cơ quan tố tụng áp dụng nhiều biện pháp điều tra, tổng hợp hành vi khách quan, xác định ý thức chủ quan của bị cáo", Viện Kiểm sát Hà Nội nhấn mạnh.
Bị cáo Hưng cho rằng sau khi khởi tố bị can, bị cáo yêu cầu đối chất, cơ quan điều tra không thực hiện đối chất mà đến gần kết thúc vụ án mới đối chất; việc đối chất có vi phạm về nội dung, trình tự.
Viện Kiểm sát nhận thấy bị cáo nguyên là điều tra viên cao cấp, lẽ ra đại diện Viện Kiểm sát không cần tranh tụng về vấn đề này. Tuy nhiên, bị cáo đang hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai nên Viện Kiểm sát trích dẫn pháp luật để giải thích cho bị cáo.
Theo quy định Bộ Luật tố tụng hình sự, việc đối chất được thực hiện khi đáp ứng đủ hai điều kiện khi có mâu thuẫn lời khai và khi đã tiến hành các biện pháp điều tra khác mà không làm rõ được.
Khi mới khởi tố vụ án có mâu thuẫn lời khai, nhưng chưa tiến hành các biện pháp điều tra khác nên chưa đủ điều kiện tiến hành đối chất. Đại diện Viện Kiểm sát Hà Nội nhắc bị cáo Hưng, điều kiện thứ hai mới được bổ sung trong Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015, bộ luật cũ chỉ quy định điều kiện thứ nhất.
Trước đó, trong phần tự bào chữa, Hoàng Văn Hưng cho rằng việc khởi tố anh ta là "tùy tiện, liều lĩnh, xem nhẹ sinh mạng người khác, tư tưởng bắt nhốt rồi sẽ khai, dù cùng cơ quan nhưng không được giải trình, 2 tháng rưỡi không được hỏi cung...".
Tranh luận lại, cơ quan giữ quyền công tố cho biết trước khi khởi tố Hoàng Văn Hưng, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát phối hợp ghi lời khai anh ta vào đầu tháng 1/2023 nhằm: "Cho bị cáo có cơ hội trình bày nhưng Hưng không thừa nhận".
Viện Kiểm sát phê chuẩn bắt Hưng ngày 11/1/2023 và sau đó hỏi cung 8 lần liên tục; cho đối chất 2 lần với bị cáo Nguyễn Anh Tuấn. Các biên bản này được Viện kiểm sát trình chiếu tại tòa.
Nhìn nhận Hoàng Văn Hưng là điều tra viên, được Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra hỏi cung nhưng ra tòa lại nói không được, đại diện Viện Kiểm sát đánh giá: "Bị cáo tráo trở, gian dối. Tại tòa, các bị cáo Tuấn, Hằng cũng nói Hưng tráo trở, dựng chuyện là có lý do, hoàn toàn đúng".
"Tính tráo trở" của Hưng, theo Kiểm sát viên còn thể hiện ở chỗ bị cáo chỉ "khai báo nhỏ giọt" những gì cơ quan điều tra đưa ra mà không thể chối cãi.
Theo đó, Hoàng Văn Hưng bị bắt ngày 11/1/2023 và không khai báo gì, đến khi nói có video nhận vali, mới khai có nhận từ bị cáo Tuấn một vali, trong đó là 4 chai rượu, không phải tiền.
Ngày 26/3/2023, khi đối chất với ông Tuấn, Hoàng Văn Hưng mới thừa nhận cầm 7 bản tự khai của Hằng, đem về nhà...
Liên quan đến việc Hưng cho rằng nhóm Sơn, Hằng, Tuấn không khách quan, sai sự thật, có sự bàn bạc để đổ tội cho Hưng, Viện Kiểm sát nêu lại thời điểm khởi tố, bắt tạm giam các bị cáo, cụ thể: Bị cáo Sơn bị khởi tố bắt tạm giam ngày 8/12/2023, tạm giam tại B34 Bộ Công an tại TP.HCM.
Bị cáo Tuấn bị khởi tố ngày 28/12, tạm giam tại B14 Bộ Công an tại Hà Nội. Bị cáo Hưng bị khởi tố ngày 11/1/2023. Bị cáo Hằng bị khởi tố ngày 29/3/2022 được tại ngoại.
"Thời điểm bắt khác nhau, giam tại nhiều địa điểm nhưng Tuấn, Hằng, Sơn đều khai rõ, thống nhất về lời khai của Hưng. Suốt quá trình điều tra, họ đều không được tiếp xúc riêng với luật sư; gia đình không được thăm gặp nhằm đảm bảo không lộ lọt thông tin từ ngoài vào nên 3 người này khai khách quan. Vì vậy, dùng lời khai của 3 người là chứng cứ chứng minh Hưng phạm tội là đúng", lời Kiểm sát viên.
Tính khách quan của nhóm ông Tuấn, Hằng, Sơn còn thể hiện rõ khi bị cáo Hưng là điều tra viên chính đã hướng dẫn Hằng, Sơn thế nào, diễn biến sau đúng như vậy. Một số thông tin chỉ người tiến hành tố tụng mới biết cũng được bị cáo Hưng tiết lộ cho Hằng và Tuấn.
"Cụ thể, là nếu Hằng tự thú sẽ được hưởng khoan hồng như bị cáo Lê Văn Nghĩa, Công ty Nhật Minh ở Khánh Hòa; bị cáo Sơn nắm 70% cổ phần nên sẽ chịu trách nhiệm tương tự bị cáo Hoàng Diệu Mơ, Công ty An Bình.
Hưng còn tiết lộ tên của điều tra viên hỏi cung Sơn ở trại B34; việc các cán bộ cục A01 có quan điểm gay gắt với Sơn; nội dung A09 xin ý kiến lãnh đạo Viện tối cao quan điểm xử lý Sơn. Sau khi Viện tối cao thống nhất, cơ quan điều tra bắt Sơn…",
Viện Kiểm sát nêu loạt dẫn chứng và khẳng định đây là những thông tin thuộc bí mật công tác mà Tuấn, Hằng, Sơn không thể tự nghĩ ra, khai báo.
Đại diện Viện kiểm sát nói thêm rằng chỉ khi bị cáo Hưng chia sẻ, 3 người này mới biết tên các bị can khác rồi khai báo thống nhất.
Hoàng Văn Hưng tại tòa lấy lý do tiếp xúc Hằng vận động đầu thú là theo chỉ đạo. Viện Kiểm sát cho biết Hưng không báo cáo việc này, không có sự phê duyệt, tự ý tiếp xúc Hằng trái quy định của Bộ Công an.
"Hưng gặp, hướng dẫn khai báo gian dối nhằm mục đích cá nhân. Địa điểm gặp là nhà riêng bị cáo Tuấn, gặp vào buổi tối và không gọi trực tiếp cho Hằng, chỉ gọi thông qua bị cáo Tuấn bằng sim rác để che giấu hành vi", đại diện Viện Kiểm sát nêu.
Bình luận