• Zalo

Đại diện Bộ Tư pháp: 'Hối lộ tình dục là một dạng hối lộ phi vật chất'

Thời sựThứ Tư, 24/01/2018 16:51:00 +07:00Google News

Đại diện Bộ Tư pháp cho biết, hối lộ tình dục cũng là một dạng hối lộ phi vật chất, bởi vậy cũng sẽ nằm trong khung điều chỉnh của pháp luật.

Tại cuộc họp báo quý 4/2017 của Bộ Tư pháp diễn ra chiều 23/1, trả lời báo chí về việc hối lộ tình dục có được xem là một dạng hối lộ phi vật chất quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng hay không, ông Trần Văn Dũng, phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, hối lộ tình dục có thể xem là một dạng của hối lộ phi vật chất.

IMG_20180123_150406

 Ông Trần Văn Dũng khẳng định hối lộ tình dục cũng là một dạng hối lộ phi vật chất, bởi vậy cũng sẽ nằm trong khung điều chỉnh của pháp luật.

Ông Trần Văn Dũng cho biết: “Hối lộ tình dục là vấn đề chúng ta mới tiếp cận với các Công ước Liên Hiệp Quốc về phòng chống tham nhũng. Người ta quy định không chỉ là những giá trị vật chất mà cả những giá trị phi vật chất.

Tuy nhiên, hối lộ tình dục có phải giá trị phi vật chất không thì chúng ta tự đặt câu hỏi và tự trả lời. Hối lộ phi vật chất đó có thể sai khiến người có chức vụ, quyền hạn để làm theo người đưa hối lộ hay không? Nếu chúng ta trả lời có thì là có. Nhưng về mặt khoa học, hối lộ tình dục là một dạng hối lộ phi vật chất”.

Video: Đại diện Bộ Tư pháp khẳng định hối lộ tình dục cũng là một dạng hối lộ phi vật chất

Trước đó, liên quan đến vấn đề hối lộ tình dục, theo Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực từ 1/1/2018) đã mở rộng nội hàm “của hối lộ”, bổ sung “lợi ích phi vật chất” trong cấu thành của 5 tội danh: nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

Cụ thể, từ 1/1/2018, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận, sẽ nhận lợi ích phi vật chất cho chính bản thân người đó hoặc cho người hay tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ.

Với quy định bao hàm này (tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác và lợi ích phi vật chất) thì việc nhận hối lộ bằng tình dục, tình cảm hay một suất du học cho con… cũng đủ yếu tố cấu thành tội nhận hối lộ.

Quốc hội đã thảo luận, kết luận đối với của hối lộ là lợi ích phi vật chất thì luôn luôn thuộc trường hợp phạm tội quy định ở khoản 1 Điều 354 (cấu thành cơ bản, khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù).

Như vậy, người nhận hối lộ tình dục phải đối mặt với mức án cao nhất là 7 năm tù.

Bên cạnh đó, theo khoản 5 Điều 354, người nhận hối lộ tình dục còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn