Liên quan đến bài viết Hành trình xâm nhập đại công trường khai thác gỗ trái phép ở Đắk Lắk, chiều 30/11, ông Nguyễn Hải Ninh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh này cho biết, UBND tỉnh đang chỉ đạo kiểm tra, xử lý vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo.
Trả lời PV, ông Lê Thăng Long - Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) cho biết, cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ vụ việc.
"UBND huyện đã nhận được báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện và đã chỉ đạo các cơ quan liên quan vào hiện trường thống kê số lượng, điều tra để hoàn tất hồ sơ khởi tố vì đây là vụ phá rừng rất lớn tại địa bàn", ông Long nói.
Trước đó, PV VTC News nhận được phản ánh của người dân xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk về việc lâm tặc ngày đêm đốn hạ gỗ trên khu vực rừng sản xuất của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả (trụ sở tại xã Ea H’leo).
Ngày 27/11, nhóm PV đến xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo) để tìm hiểu vụ việc. Có mặt tại hiện trường, PV ghi nhận một đại công trường gỗ với hàng chục cây cổ thụ bị lâm tặc quật ngã, cành lá còn xanh, gốc cây vẫn đang rỉ nhựa, vết mùn cưa còn mới tinh.
Trên nền đất, hàng trăm lóng gỗ (gồm nhiều loại từ nhóm III - VII) với chiều dài từ khoảng 3-8m, bán kính từ 40-60cm, được cưa xẻ vuông vắn nằm san sát và chồng chất lên nhau, đếm mãi không xuể.
Xung quanh bãi tập kết gỗ vẫn còn dấu vết của những đống tro tàn, chai, can đựng xăng dầu... của lâm tặc để lại. Tại đây còn có 1 chiếc xe càng với rơ moóc phía sau dài khoảng 5-6m nằm chắn ngang lối vào khu vực khai thác gỗ kế bên, nhằm phục vụ cho việc đưa gỗ ra ngoài để tiêu thụ.
Video: Đột nhập đại công trường khai thác gỗ trái phép ở Đắk Lắk
Liên quan đến vụ việc, ông Trương Văn Hồng – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea H’leo cho biết, Hạt đã phối với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả đo đếm được 126 lóng, hộp gỗ từ nhóm III đến nhóm VII với tổng cộng 45,109m3. Lực lượng tạm giữ 3 người khi đang đang bốc gỗ lên xe cày vào ngày 21/11.
"3 người bị tạm giữ và đưa về UBND xã để lấy lời khai. Tuy nhiên, cả 3 người này nói chỉ được thuê vận chuyển chứ không biết gì về việc khai thác gỗ. Sau đó, người thân của họ mang giấy tờ đến cơ quan và bảo lãnh họ về", ông Hồng nói.
Trước đó, vào ngày 20/6/2016 tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016- 2020.
Thủ tướng chỉ đạo các lãnh đạo tại Tây Nguyên đóng tất cả rừng tự nhiên, đồng thời yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, kiểm soát, công an, tòa án... nâng cao trách nhiệm được giao ngăn chặn tình trạng tàn phá rừng đang xảy ra.
Làm rõ trách nhiệm từng diện tích, từng địa bàn rừng bị mất, xử lý nghiêm các doanh nghiệp sử dụng gỗ không có giấy phép hợp lệ... Tuy nhiên, sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ rừng tại tỉnh Đắk Lắk vẫn bị đốn hạ một cách bất thường.
Bình luận