Mặc dù mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam trong thời gian ngắn nhưng xe ôm công nghệ cao đang chiếm ưu thế và bắt đầu thay thế dần dần xe ôm truyền thống.
Hiện tại, hai ứng dụng di động đang kinh doanh "xe ôm" công nghệ cao trong nước là Grab và Uber. Tuy nhiên, Uber vượt trội Grab về lượng ô tô, taxi thì Grab chiếm ưu thế mảng "xe ôm". Grab và Uber đã khiến xe ôm truyền thống lao đao.
Xe ôm truyền thống lao đao vì Grab, Uber
Lý do, Uber và Grab đang khiến xe ôm truyền thống thất thu là cả hai minh bạch trong thu phí và quãng đường nhờ định vị GPS và cước thanh toán giá rẻ. Uber, Grab xuất hiện tránh các trường hợp lạm thu, chặt chém như xe ôm truyền thống.
Ví dụ, Grab có giá 3.800 đồng/km, Uber cũng có giá tương tự, trong khi đó xe ôm truyền thống báo giá chạy xe không theo bất kỳ một chuẩn mực nào cả, thích thu bao nhiêu là tùy mỗi người. Đã có rất nhiều trường hợp người đi xe ôm truyền thống đã phải dở khóc, dở cười khi bị lừa chạy lòng vòng và tính cước phí cắt cổ.
Đánh trúng tâm lý của khách hàng, rất nhiều xe ôm truyền thống đang dần dần chuyển sang các ứng dụng vận chuyển thông minh. Tuy nhiên, vẫn còn một lượng xe ôm truyền thống gắn bó và trung thành với nghề, đa phần là những người lớn tuổi, hiểu biết công nghệ của họ còn hạn chế.
Anh Đỗ Minh Hoàng, một xe ôm truyền thống chuyển sang Grab chia sẻ: "Khi mình làm xe ôm truyền thống, lượng khách không ổn định và tùy thuộc vào mỗi ngày. Từ khi chạy Grab, mặc dù giá cước có rẻ hơn rất nhiều nhưng ổn định. Nếu chạy cả ngày, trừ các chi phí xăng xe thì được khoảng 400.000 - 500.000 đồng".
Ở chiều ngược lại, các xe ôm truyền thông không có khả năng chạy Grab cảm thấy "miếng cơm manh áo" của họ bị đe dọa. Ông Đức, một xe ôm thường đứng đợi khách ở gần Đền Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: "Năm ngoài, mỗi ngày thấp nhất tôi cũng được 200.000 đồng, nhiều thì 300.000 - 500.000 đồng. Nay nhiều người sử dụng xe ôm trên điện thoại quá nên ngày cũng chỉ được hơn 100.000 đồng, có khi 'móm' cả ngày".
Ông Đức cũng như bao "đồng nghiệp" khác đang gắn bó với nghề xe ôm đều coi đây là cần câu cơm nuôi cả nhà. "Ngày trước, không được học hành gì nên khi hết sức lao động đứng đây làm xe ôm. Bao nhiêu năm gắn bó với nghề, cũng từ cái nghề này mà nuôi được các con ăn học đàng hoàng. Nay không còn khách nữa, chắc cũng tính 'nghỉ hưu' luôn" - Ông Đức chia sẻ.
Ông Đức còn cho biết thêm, cũng đã tính đến chuyển sang GrabBike hay Uber nhưng học mãi không nhớ lên đành từ bỏ: "Các con cũng bảo bố nên chuyển sang cái này nhàn hạ hơn, khách ổn định hơn nhưng nó dạy mãi tôi cũng chịu", ông nói.
Từ thương trường tới nắm đấm
Anh Hoàng Anh Tuấn, một lái xe Grab chia sẻ, ở Hà Nội, các lái xe của Grab được chia làm 6 đội, các thành viên trong 1 đội thường xuyên trao đổi với nhau qua một số ứng dụng liên lạc để bảo vệ lẫn nhau hoặc chia sẻ những khó khăn trong công việc.
"Làm cái nghề lái xe cũng gặp nhiều rủi ro lắm ví dụ như xe cộ hỏng, hay gặp bất trắc gì trên đường, chúng tôi chỉ cần nhắn tin cho nhau là anh em đến giúp đỡ", anh Tuấn nói.
Đặc biệt, sự cố mà các lái xe Grab hay gặp phải nhất đó chính là xích mích với xe ôm truyền thống. Anh Tuấn kể chính tai nạn của mình: "Một lần tôi được khách đặt xe ở gần Big C, mà mọi người biết rồi đó. Ở khu vực xung quanh đó có một dàn xe ôm đứng chờ khách cho nên cứ thấy áo xanh của Grab là họ lườm, đá xéo, thậm chí còn chửi vào mặt. Nhẹ thì đuổi khéo, nặng thì họ giở nắm đấm ra dọa. Đặc biệt, khổ mấy cậu đi xe biển tỉnh lẻ rất dễ bị nhóm xe ôm truyền thống gây chuyện".
Anh Tuấn còn cho biết, trước đây trong nhóm có cậu chạy Grab khá trẻ bị đánh tím mắt. "Nói đi thì cũng phải nói lại, ai đụng đến cần câu cơm của nhau, ai mà chẳng tức. Ngay bản thân mình thôi, thấy ai giành khách trước mắt mình đều khó chịu. Tự nhiên cả một dàn xe ôm truyền thống có ông Grab lò dò đến kiểu gì chẳng bị hạch họe", anh nói.
Đồng tình với ý kiến của anh Tuấn, nhiều Grab khác cũng cho biết họ thường xuyên bị nhóm xe ôm thuyền thống kiếm chuyện. Bạn Hùng, một sinh viên chạy GrabB mỗi tối để kiếm thêm thu nhập chia sẻ: "Tôi rất ngại đón khách ở một số bến xe, sân bay hoặc một số điểm đông xe ôm truyền thống. Gặp Grab họ hay kiếm cớ bắt bẻ, đủ thứ chuyện".
Theo Công ty Grab Việt Nam, giữa lái xe Grab và xe ôm truyền thống thường xảy ra xô xát ở sân bay, bến xe hoặc các tụ điểm đông người. Sau mỗi vụ việc, phía công ty Grab đều có báo cáo lên các cơ quan chức năng. Trước đó, các lái xe Grab thường có luật ngầm bảo vệ lẫn nhau mỗi khi có "biến" xảy ra.
Bình luận