• Zalo

Đại biểu Quốc hội trăn trở về khoảng cách giàu nghèo tăng trong đại dịch

Tin nhanh 24hThứ Hai, 08/11/2021 16:25:00 +07:00Google News
(VTC News) -

ĐBQH cho rằng, cùng với ảnh hưởng của dịch bệnh, tình trạng kiệt quệ về tài chính và khoảng cách giàu nghèo sẽ còn gia tăng nếu không có giải pháp hữu hiệu.

Chiều 8/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) nêu vấn về khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng gia tăng.

Theo bà Mai, hơn 2 năm kể từ ngày dịch bệnh bùng phát khiến kế sinh nhai và việc làm của nhóm nghèo nhất trong xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo báo cáo của Chính phủ, nhóm bị tổn thương nhiều nhất là nhóm nghèo nhất. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tình trạng kiệt quệ về tài chính và khoảng cách giàu nghèo sẽ còn gia tăng nếu không có giải pháp hữu hiệu.

Đại biểu Quốc hội trăn trở về khoảng cách giàu nghèo tăng trong đại dịch - 1

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phát biểu tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Bà Mai trích dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, tốc độ tăng trưởng về thu nhập của nhóm thu nhập thấp chậm hơn nhóm thu nhập cao làm cho khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. Năm 2016 khoảng cách thu nhập giữa nhóm thu nhập cao nhất và thấp nhất là 9,8 lần; năm 2019 tăng lên 10,2 lần.

"Cần khảo sát thật chính xác thực trạng xã hội để nhìn thấy rõ nhất khó khăn mà người dân đang đối mặt. Các gói an sinh xã hội với với mức hỗ trợ vài triệu đồng một người mang ý nghĩa động viên rất lớn. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế, không phải căn cơ lâu dài.

Chỉ khi có giải pháp hữu hiệu phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động thì chúng ta mới có thể thu hẹp khoảng cách giàu nghèo", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói.

Bên cạnh đó, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, trong báo cáo số 38 của Chính phủ đề ra giải pháp hạn chế tối đa việc lồng ghép các chính sách - xã hội trong các chính sách thuế. Điều này đồng nghĩa với việc trong 3 năm tới đây sẽ hạn chế tối đa việc miễn giảm thuế.

Theo quan điểm cá nhân, bà Mai cho rằng cần hết sức cân nhắc giải pháp trên. Việc bảo đảm tính trung lập của thuế là cần thiết tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay điều này là khó khả thi. Theo bà Mai, kể cả khi khống chế được dịch bệnh thì ảnh hưởng vẫn còn trong nhiều năm tiếp theo.

Bà Mai cũng cho rằng căn cứ vào tình hình thực tế 3 năm qua, trong chính sách tài khoá việc miễn giảm thuế được áp dụng liên tục như một giải pháp hữu hiệu. Trong năm 2022, rất nhiều ý kiến đề xuất tiếp tục áp dụng. Nếu như tới đây Quốc hội ban hành gói kích thích phục hồi kinh tế thì dự kiến có thể có những chính sách miễn giảm thuế.

Từ đó, bà Mai cho rằng, tại thời điểm hiện nay nên theo đuổi một chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua các biện pháp hỗ trợ và phát triển kinh doanh. Điều này là cần thiết và hợp lý hơn là chính sách tận thu.

Cũng liên quan đến vấn đề hỗ trợ và phát triển kinh doanh doanh doanh nghiệp, đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) nhấn mạnh, hiện chi phí không chính thức trong tuân thủ pháp luật vẫn là vấn đề nghiêm trọng, tạo gánh nặng không nhỏ cho doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức năm 2020 theo khảo sát vẫn ở mức gần 45%.

"Theo diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật, một trong các chỉ số thuộc trụ cột thể chế, mặc dù đã được đánh giá đối với Việt Nam là có kết quả đáng mừng, tăng 17 bậc trong lần công bố gần nhất vào năm 2019.

Các năm 2020 cho đến nay, tạm dừng công bố do đại dịch, tuy nhiên thứ hạng của chúng ta vẫn ở mức thấp 79/141 quốc gia và rất thấp trong ASEAN, đứng 7/9 nước, chỉ hơn Brunei và Philippines", ông Ba cho hay.

Quang Tuyền - Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn