• Zalo

Đại biểu Quốc hội: Tỉnh nghèo còn xin xây trụ sở nghìn tỷ là đáng trách

Kinh tếThứ Năm, 03/11/2016 13:44:00 +07:00Google News

Đại biểu Quốc hội bình luận các tỉnh nghèo nhưng lại xin ngân sách hàng nghìn tỷ đồng để xây trụ sở là không thể chấp nhận được.

Trả lời VTC News, TS Trần Anh Tuấn (đại biểu Quốc hội TP.HCM), quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng đã chỉ ra nhiều bất cập trong việc phân bổ ngân sách hiện nay.

tran-anh-tuan-2

 TS Trần Anh Tuấn (đại biểu Quốc hội TP.HCM), quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM

- Là chuyên gia kinh tế, ông nghĩ khi hiện nay chỉ có 13/63 tỉnh thành có thể tự cân đối và điều tiết về trung ương?

Việt Nam cũng như các quốc gia khác chỉ có một số thành phố thực sự có khả năng tự cân đối và điều tiết ngân sách về trung ương. Đó là những thành phố động lực để tạo đột phát phát triển chung của cả nước.

Con số 13/63 có thể tự cân đối và điều tiết ngân sách về trung ương là tỉ lệ khá khiêm tốn.

Nếu chúng ta không có ưu tiên cho các địa phương thực sự cân đối được ngân sách thì trong quá trình phát triển sẽ mất đi động lực để những địa phương này đóng góp thêm cho ngân sách đất nước.

Các địa phương khác cần nỗ lực hơn trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Mặc dù các địa phương khác, nhất là các địa phương miền núi còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội, đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, tôi vẫn cho rằng cần phải có sự nỗ lực chung mạnh hơn nữa để nâng số địa phương có cân đối lớn lên.

Đại biểu Quốc hội: Tỉnh nghèo còn xin xây trụ sở nghìn tỷ là đáng trách

- Theo ông, trong điều kiện của Việt Nam, bao nhiêu địa phương có thể tự cân đối thu chi và điều tiết về trung ương là khả quan?

Tôi cho rằng phấn đấu lên 25 đến 30 địa phương có thể tự cân đối ngân sách thì Việt Nam sẽ phát triển nhanh và tăng trưởng sẽ cao.

Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam hiện nay chỉ ở mức bình quân của các nước Đông Nam Á.

Việt Nam còn phải đột phá nhiều hơn nữa vì nước ta còn nghèo. Người dân còn nghèo, thu nhập bình quân 2.200 USD/năm. Đó là mức thu nhập bình quân rất thấp.

Vì vậy, phải có sự nỗ lực của các địa phương khác góp phần giảm gánh nặng cho các địa phương tự cân đối được.

Bên cạnh đó, chúng ta dành nguồn lực nhiều hơn cho các địa phương tự cân đối được ngân sách để tạo động lực phát triển và kinh tế đất nước còn phát triển hơn nữa.

- Có chuyên gia cho rằng nhiều địa phương đang “ăn bám bầu sữa ngân sách”?

QNếu nói ăn bám thì nặng quá. Tôi nghĩ là họ đang cố gắng làm. Tuy nhiên điều kiện về vị trí địa lý, điều kiện phát triển kinh tế của các tỉnh này có những cái bất lợi riêng.

Miền Trung lũ lụt, hạn hán, hạ tầng chưa phát triển thì sao thu hút được nhà đầu tư. Vùng núi, vùng cao nguyên hạ tầng chưa tốt thì thu hút đầu tư vào còn rất khó khăn.

Tôi rất chia sẻ với các địa phương đó trong phát triển chung cả nước.

- Tuy nhiên, dư luận lại nêu ra hàng loạt các công trình đội vốn, kéo dài thời gian đầu tư lại xảy ra ở các tỉnh nghèo, thưa ông?

Mỗi địa phương phải cố gắng nhiều hơn trong thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả, tránh thất thoát, điều chỉnh các dự án đầu tư.

 
Những địa phương không cân đối được ngân sách nhưng lại kéo dài, điều chỉnh các dự án đầu tư thì tôi không thể chấp nhận được.

Đại biểu Trần Anh Tuấn

Những địa phương không cân đối được ngân sách nhưng lại kéo dài, điều chỉnh các dự án đầu tư thì tôi không thể chấp nhận được.

Đối với địa phương lớn, nhu cầu đầu tư lớn, thì khó khăn trong việc vướng mắc đền bù thì còn có thể kéo dài thời gian dự án.

Nhưng đối với các địa phương mà chưa phát triển, cần các dự án, cơ sở hạ tầng thì việc quản lý dự án đầu tư sẽ đơn giản hơn.

Các địa phương này cần phải quản lý chặt chẽ hơn. Không để đội vốn, điều chỉnh các dự án, kéo dài các dự án gây lãng phí thất thoát.

Nếu để thất thoát thì tôi hoàn toàn không thể chia sẻ được vấn đề đó.

- Liệu có đáng trách không khi nhiều tỉnh có điều kiện thuận lợi nhưng vẫn rơi vào danh sách tỉnh nghèo, thưa ông?

Thực ra nhu cầu phát triển mỗi địa phương rất lớn nhưng nguồn thu ngân sách đáp ứng yêu cầu đầu tư đó chưa nhiều.

Vì nền tảng kinh tế xã hội, hạ tầng chưa phát triển thì chưa thu hút được doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển. Nguồn thu ngân sách hạn chế nhưng nhu cầu đầu tư của các tỉnh này lại lớn.

Vì vậy, việc cân đối ngân sách đầu tư của họ rất khó khăn. Tôi chưa có đánh giá được tỉnh nào khả năng cân đối được. Cái này cần có đánh giá tổng thể.

Video: Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng dành hơn 17 phút "trần tình" về việc điều tiết ngân sách các địa phương năm 2017

- Có ý kiến cho rằng việc quá trông chờ ‘ăn bám’ vào ngân sách trung ương, sẽ làm lãnh đạo địa phương thiếu sáng tạo, thụ động, ỷ lại?

Đánh giá cái này khó. Thực sự, lãnh đạo địa phương nào cũng thường xuyên tham gia các cuộc họp, tiếp cận sự chỉ đạo chung của Chính phủ, đều có tầm nhất định nhưng điều kiện kinh tế xã hội, nguồn thu chưa tự cân đối với nguồn chi. Nguồn thu chưa đáp ứng được chi chung.

- Ngoài việc điều kiện tự nhiên khó khăn, theo ông nguyên nhân nào khiến nhiều địa phương mãi vẫn ở trong danh sách “tỉnh nghèo”?

Tôi chia sẻ thêm đó là việc tổ chức bộ máy chính quyền là vấn đề lớn. Chi thường xuyên của các tỉnh cao.

Tỉnh, thành phố nào cũng có các cấp giống nhau nên bộ máy của địa phương của các tỉnh chưa tự cân đối được đáng nhẽ ra phải gọn nhẹ hơn.

Bộ máy gọn nhẹ để cho phần chi thường xuyên cho bộ máy ít lại và đầu tư phát triển nhiều hơn tạo động lực phát triển, trung và dài hạn.

Vì vậy, bộ máy chính quyền địa phương không nên đánh đồng tất cả các tỉnh thành đều như nhau mà tùy quy mô thì chúng ta sẽ có biện pháp hiệu quả.

- Vừa qua, dư luận rất bức xúc khi nhiều tỉnh nghèo nhưng vẫn xin ngân sách để đầu tư các công trình xây trụ sở hàng nghìn tỷ. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Cái đó thì đáng trách rồi. Việc xây trụ sở nghìn tỷ tốn kém nhiều quá trong khi ngân sách hạn chế. Trong thời điểm hiện nay, chúng ta phải cùng nhau đồng tâm tiết kiệm.

Tôi lấy ví dụ mấy năm nay ở TP.HCM, trụ sở ọp ẹp, xuống cấp nhưng chưa có công trình nào tốn tiền, quy mô cho cơ quan công quyền.

Vì vậy, các địa phương phải chia sẻ chung cho cả nước và Chính phủ.

- Năm 2017, tỷ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM giảm mạnh liệu có khiến thành phố “hụt hẫng”?

Đó là sự giảm lớn trong ngân sách. Sự giảm làm chi về đầu tư phát triển giảm so với các năm trước. Trong khi đó, quy mô kinh tế ngày càng tăng mà giảm đầu tư thì là một thách thức với TP.HCM. Dư địa cho phát triển hạn chế khi đầu tư bị bóp lại.

Chúng tôi sẽ xây dựng cơ chế đột phá tạo ra sự phát triển mạnh mẽ cho TP.HCM. Thậm chí là thu hút nguồn động lực trong dân.

Trong khi đó, Bí thư Đinh La Thăng và nhiều đại biểu Quốc hội TP.HCM liên tục kiến nghị với trung ương vì thiếu tiền đầu tư chống ngập, ách tắc giao thông.

Về vấn đề này, Trung ương đã có hỗ trợ để giúp TP.HCM giải quyết tắc đường, kẹt xe. Hiện tại, chúng tôi đang huy động mọi khoản hỗ trợ để giải quyết bài toán, chiến lược, giải pháp phát triển của TP.HCM. Chúng tôi sẽ phối hợp nhiều nguồn lực khác nhau. Trong đó, chú trọng thu hút nguồn đầu tư xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn