• Zalo

Đại biểu Quốc hội: 'Tích hợp môn Lịch sử, ưu việt thế nào?'

Giáo dụcThứ Hai, 16/11/2015 02:08:00 +07:00Google News

Đại biểu Quốc hội băn khoăn trước thông tin môn Lịch sử sẽ trở thành môn học tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

(VTC News) - Đại biểu Quốc hội băn khoăn đặt câu hỏi trước thông tin môn Lịch sử sẽ trở thành môn học tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đại biểu Lê Văn Lai mở đầu: "Trước hết nhân ngày 20/11, tôi xin chân thành gửi tới thầy Phạm Vũ Luận – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và không sai sót bất cứ điều gì trong quá trình tiến hành cải cách giáo dục".
Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Đại biểu Lê Văn Lai cho biết ông có gần 10 năm công tác trong ngành giáo dục và rất quan tâm tới vấn đề của ngành.

Cụ thể, gần đây dư luận xáo động tận tâm can về một vấn đề rất nhạy cảm, đó là sự thay đổi cách dạy bộ môn Lịch Sử.

"Trước sự phản ánh mạnh mẽ của dư luận xã hội, Bộ trưởng nêu chính kiến của mình về vấn đề này, nhất là tính đúng đắn tính ưu việt của nó? Bộ trưởng có dự định gì hoặc hoãn chủ trương thay đổi chủ trương giảng dạy môn Lịch Sử trong trường phổ thông theo hướng tích hợp không?”, đại biểu Lê Văn Lai nêu câu hỏi.

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Văn Lai cũng nhấn mạnh: “Nếu không dừng, không hoãn thì Bộ trưởng có dám khẳng định trách nhiệm của mình trước nhân dân về tính đúng đắn của vấn đề?”

Ông Lai cho rằng sai lầm về phương pháp sẽ dẫn tới sai lầm về kiến thức, nhất là kiến thức lịch sử trong thế hệ trẻ và sẽ không có chỗ cho sự khắc phục hoặc thiếu kinh nghiệm.

Vị đại biểu tỉnh Quảng Nam cho rằng những vấn đề tưởng như nhỏ, nhưng thực chất lại không nhỏ, đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sự nỗ lực của ngành chủ quản và các chủ thể liên quan.

"Theo tôi, bất cứ sự phá vỡ lớn nào cũng có nguyên nhân từ sự phá vỡ hệ thống. Chứng minh cho nhận định này là vấn đề tôi vừa chất vấn thầy Bộ trưởng về cách dạy môn Lịch sử. Vì đơn giản hóa vấn đề, chỉ chú trọng tới giấc mơ tích hợp mà quên mất hệ lụy khác", ông Lai nói.

Chiều 16/11, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sẽ đăng đàn trả lời những băn khoăn của đại biểu Lê Lai.


Trước đó, trả lời phóng vấn của VTC News bên hành lang Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc tiếp tục cho rằng bộ GD-ĐT nên thận trọng khi có ý định xóa bỏ môn Lịch sử khỏi chương trình giáo dục phổ thông, thay vào đó, môn học này nằm trong môn Giáo dục công dân và Giáo dục quốc phòng.

"Chương trình và phương pháp với bộ môn khá đặc thù như Lịch sử là rất quan trọng. Trong khi đó, chưa ai tin rằng những bổ sung thêm nếu chỉ là những con số cộng của định lượng như cách nói của Bộ GD-ĐT là có thể tăng được chất lượng.

Hiện nay, chúng ta đang muốn giảm việc học cho học sinh. Học ít mà hiểu nhiều. Tôi muốn nói là phương pháp làm của Bộ GD-ĐT làm tôi không yên tâm. Phải làm hết sức thận trọng", đại biểu Dương Trung Quốc cho biết.
Đại biểu Dương Trung Quốc cũng không đồng tình với việc môn Lịch sử sẽ là môn học tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới
Đại biểu Dương Trung Quốc cũng không đồng tình với việc môn Lịch sử sẽ là môn học tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới 

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng trước hết cần đầu tư, quan tâm tới môn Lich sử. Việc tích hợp phải là bước đi hết sức thận trọng chứ không đơn giản là giao dự án cho một nhóm lập để rồi đưa ra ý kiến làm thế này, thế kia.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT có lý giải rằng học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn môn Lịch sử hơn nhưng trong trường hợp học sinh không lựa chọn thì trách nhiệm sẽ vô cùng to lớn.

"Trách nhiệm trước hết là của Bộ GD-ĐT,  của những người thực hiện chủ trương. Còn chủ trương của Đảng trong vấn đề thay đổi toàn diện trong thay đổi giáo dục thì tôi rất ủng hộ. Nhưng thay đổi như thế nào và bằng cách nào thì cần phải bàn", đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh.


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn