• Zalo

Đại biểu Quốc hội: Tham nhũng không thể dùng tiền đổi mạng

Thời sựThứ Ba, 16/06/2015 04:29:00 +07:00Google News

Nhiều Đại biểu Quốc hội đều phản đối 7 tội danh được đề nghị miễn tử hình như trong dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi).

(VTC News) - Sáng 16/6, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi).

Đa phần các Đại biểu Quốc hội đều phản đối 7 tội danh được đề nghị miễn tử hình như trong dự thảo luật.

Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) ủng hộ xu hướng giảm tử hình, vì nó thể hiện sự nhân đạo của Nhà nước Việt Nam nhưng không thể cho tội phạm tham nhũng dùng tiền đổi mạng.


“Tham nhũng đang đe dọa sự tồn vong của chế độ nhưng hiện nay việc phòng chống lại chưa quyết liệt, kết quả chưa cao. Lý ra cần có hình phạt nghiêm khắc hơn nhưng chúng ta lại làm ngược lại. Nếu làm vậy là khuyến khích tham nhũng, bỏ án tử hình với tham nhũng, xã hội tất loạn và nhân dân sẽ không tha cho chúng ta”, đại biểu Niễn nói.
Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn
Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn 
Cụ thể, trong dư thảo luật quy định, đối với nội dung người bị kết án tử hình về các tội danh kinh tế, chủ động khắc phục hậu quả, tích cực phối hợp với cơ quan điều tra xử lý tội phạm thì không thi hành án tử hình.


Ông Niễn phân tích: “Làm như vậy chẳng khác nào khuyến khích dung túng bao che cho tham nhũng. Tham nhũng là tội có mục đích kinh tế. Tham nhũng là quốc nạn, đe dọa sự tồn vong của chế độ."

Đại biểu Niễn cũng cho rằng không được bỏ tội tử hình với tội danh buôn bán vận chuyển ma túy: “Đây là khâu quyết định để ma túy xâm phạm vào nước ta, bỏ án tử với loại tội phạm này là khuyến khích cái ác, mở rộng đường cho ma túy vận chuyển vào Việt Nam. Cũng có nghĩa là xúi giục đồng bào mình lười lao động, làm ăn bất chính.

Còn nếu nói bỏ tội danh này là vì đối tượng vận chuyển là người nghèo, làm việc này để mưu sinh. Theo tôi cách suy diễn này là không đúng, xúi giục đồng bào mình lười lao động, làm ăn bất chính, phạm tội."

Đồng tình, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng bỏ tội tử hình đối với tội danh nào cũng cần phải cân nhắc: “Tội buôn bán vận chuyển ma túy là loại tội phạm có thủ đoạn tinh vi, vũ khí chống trả quyết liệt, nhiều chiến sĩ, biên phòng đã hi sinh… Cần tiếp tục hình phạt tử hình với loại tội này”.

 

Tội buôn bán vận chuyển ma túy là loại tội phạm có thủ đoạn tinh vi, vũ khí chống trả quyết liệt, nhiều chiến sĩ, biên phòng đã hi sinh… Cần tiếp tục hình phạt tử hình với loại tội này.
Đại biểu Trần Thị Dung
 
Đại biểu Tô Văn Tám cũng đề nghị việc phân tách tội phạm là cần thiết, nhưng cần phải xem lại nếu không áp dụng hình phạt tử hình với tội vận chuyển ma túy.


“Đối tượng vận chuyển ma túy có thể là người nghèo bị lừa phỉnh, nhưng cũng có thể là đối tượng chuyên nghiệp, hình thành đường dây vận chuyển lớn, thậm chí đã gây thương vong cho các lực lượng của chúng ta”, ông Tám nói.

Một nội dung khác cũng được các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến khác nhau trong phiên thảo luận sáng nay là trường hợp không áp dụng, không thi hành án tử hình (Điều 39), Khoản 2 dự thảo quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội từ 70 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử; khoản 3 quy định không thi hành án tử hình nếu người bị kết án từ 70 tuổi trở lên.

Qua thảo luận đa số ý kiến cho rằng, trong thực tế, nhiều người ở độ tuổi này vẫn phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, còn có thể là người cầm đầu các tổ chức tội phạm.

Nếu quy định không áp dụng, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 70 tuổi trở lên có thể dẫn đến việc lợi dụng để trì hoãn, trốn tránh sự trừng phạt, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Hơn nữa, trong điều kiện kinh tế-xã hội phát triển như hiện nay, tuổi 70 vẫn còn sức khoẻ, lẽ ra phải là tấm gương để giáo dục con cháu nhưng lại phạm tội, gây nên hình ảnh không tốt nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh.

Đại biểu Trương Thái Hiền (Kiên Giang) cho rằng đối với người trên 70 tuổi nếu phạm tội nghiêm trọng cũng phải tử hình.

Đại biểu Triệu Là Phạm (Hà Giang) cũng bày tỏ quan điểm: “Tôi đồng tình với ý kiến của các đại biểu. Dù biết rằng đây là chính sách nhân đạo nhưng cá nhân tôi cho rằng chưa hợp lý. Đời sống vật chất ngày càng cải thiện, tuổi thọ ngày càng cao, đầu óc minh mẫn, vốn hiểu biết rộng lớn. Thậm chí, có những người trên 70 tuổi vẫn có khả năng cầm đầu các tổ chức tội phạm và phạm tội rất nghiêm trọng. Nếu bỏ sẽ rất nguy hiểm cho xã hội”.

Nội dung này sẽ được các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại phiên làm việc chiều nay.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn