• Zalo

Đại biểu Quốc hội: Tăng tuổi nghỉ hưu là đúng đắn, nhưng vì sao vẫn chưa thực hiện bình đẳng giới?

Thời sựThứ Ba, 21/05/2019 20:42:00 +07:00Google News

Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu là đúng đắn, không chỉ tăng nguồn lực lao động mà còn kéo dài thời gian cho người lao động.

Liên quan tới đề xuất tăng tuổi hưu trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có cuộc trao đổi ngắn với báo giới. 

Theo ông Lợi, tăng tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo tinh thần nghị quyết, tiệm cận với quá trình già hóa dân số. Dân số Việt Nam đã kết thúc thời kỳ vàng từ năm 2011 và đang chuyển sang quá trình già hóa. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay là 76,6 với nam và 81,2 đối với nữ. Vì vậy, theo ông Lợi, tăng tuổi nghỉ hưu là việc làm đúng đắn nhưng cần phải tính toán chất lượng già hóa dân số có tốt hay không. 

Ông Lợi cho rằng, có một điểm quan trọng chưa được đề cập trong tờ trình chính phủ là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu không chỉ là để tăng nguồn lực lao động cho tương lai, mà còn để kéo dài thời gian làm việc cho người lao động.

bui sy loi

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Bùi Sỹ Lợi. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

"Người lao động có thời gian dài thêm để tích lũy quỹ hưu trí, khi về hưu, tiền lương hưu cao hơn bình quân hiện nay để giải quyết các vấn đề khó khăn về đời sống, đảm bảo tuổi già khi hết tuổi lao động", vị đại biểu Quốc hội này nhấn mạnh. 

Ông Lợi cho rằng, Chính phủ khi đưa ra quy định tăng tuổi nghỉ hưu nên kèm theo các danh mục ngành nghề lĩnh vực được giảm tuổi để người lao động chiếu theo Bộ luật Lao động thấy rằng mình có thuộc đối tượng điều chỉnh tuổi nghỉ hưu hay không.

"Chính phủ nên đánh giá tác động nhóm nào là nhóm được kéo dài, nhóm nào là nhóm phải giảm đi cũng như tiếp tục lấy ý kiến, tập trung vào các lao động thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ luật, không lấy ý kiến của chỉ riêng công chức hoặc chỉ riêng người lao động bởi người lao động trực tiếp luôn muốn được giảm tuổi trong khi người làm việc hành chính, sự nghiệp, đặc biệt là khu vực công muốn nâng tuổi", ông Lợi cho hay, nhấn mạnh phải tính lợi ích chung của tất cả người lao động.

Ông Lợi cũng nêu thắc mắc về việc vì sao độ tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ sau khi được điều chỉnh (nam 62, nữ 60) vẫn chệnh lệch mà không thực hiện về bình đẳng giới.

Về đề xuất để các luật chuyên ngành quy định rõ số tuổi từng ngành, từng lĩnh vực, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu rõ:

"Về mặt nguyên tắc, Bộ luật Lao động là bộ luật quốc gia quy định lao động là những người đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng tham gia vào quan hệ lao động, tuổi nghỉ hưu cần phải quy định trong bộ luật chung. Bộ luật này sẽ dẫn chiếu ra các khu vực khác, đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật". 

Theo ông Lợi, Chính phủ có danh sách các nhóm ngành tăng hoặc giảm tuổi nghỉ hưu trong nghị định dự thảo. Tuy nhiên, ông cho rằng kể cả khi tuổi lao động được chính thức điều chỉnh, Chính phủ vẫn cần phải giao cho Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế cập nhật thay đổi của tính chất các ngành nghề. 

Cụ thể, với các ngành đã được cải thiện, điều kiện lao động không còn nặng nhọc, độc hại thì phải cho ra khỏi danh sách để đưa vào danh mục bình thường. Với các nhóm ngành chưa vào nhóm ngành lao động độc hại, cần phải được phải được bổ sung vào danh mục mới. 

Các danh mục này sẽ do Chính phủ chuẩn bị và có thể giao cho Thủ tướng Chính phủ công bố hoặc Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ quốc hội thống nhất để công bố. Danh mục không nhất thiết phải được thảo ra theo mức thời gian cố định mà cần được rà soát liên tục hàng năm để bổ sung hoặc đưa ra các ngành không còn phù hợp. 

Tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) được công bố hồi cuối tháng 4, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi với nữ từ năm 2021. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ có lộ trình để tránh gây “sốc” cho thị trường lao động.

Cụ thể, theo phương án 1, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Với phương án 2, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định tuổi nghỉ hưu trong một số trường hợp đặc biệt. Đó là người lao động được nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi do bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.

Đồng thời, người lao động cũng được nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi nếu có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, hoặc làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác.

Song Hy_Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn