• Zalo

Đại biểu Quốc hội: Sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Bộ trưởng cần xử sự như một người ưu tú

Thời sựThứ Năm, 25/10/2018 07:42:00 +07:00Google News

Đại biểu Quốc hội cho rằng sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Bộ trưởng, trưởng ngành cần phải xử sự như một người ưu tú để các đảng viên cảm phục, nhân dân yêu mến.

Hôm nay, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín đối với 48 chức danh và kết quả sẽ được công bố trong chiều nay (25/10).

Trả lời VTC News, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng lấy phiếu tín nhiệm là một kỳ sát hạch để đánh giá lại quá trình, để Bộ trưởng nhìn lại ngành của mình trong vai trò một thủ lĩnh, để có những giải pháp chấn chỉnh, để phát huy những cái được, để giải trình.

ta-van-ha

 Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu).

- Tiêu chí nào để các đại biểu Quốc hội có thể đánh giá một cách khách quan nhất từng người trong số 48 người được lấy phiếu tín nhiệm kỳ này, thưa ông?

Thứ nhất, phải nghe quá trình theo dõi về lĩnh vực, về ngành mà các vị Bộ trưởng đó làm trưởng ngành. Thứ hai, phải căn cứ vào ý kiến của cử tri. Thứ ba, phải căn cứ vào lời hứa, lời nhận trách nhiệm của Bộ trưởng tại các kỳ họp, để xem mức độ thay đổi và khắc phục đối với những hạn chế đó như thế nào.

- Tức là phải đánh giá cả quá trình, thưa ông?

Vì đây là đánh giá giữa nhiệm kỳ, bỏ phiếu tín nhiệm nên việc đánh giá con người phải khách quan, công tâm, bằng cả một quá trình, có sự theo dõi, có quá trình từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Ví dụ như trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đầu nhiệm kỳ, nghe báo cáo nước ta là một đất nước có đến 70% là nông dân, nhưng tăng trưởng nông nghiệp lại âm. Thế nhưng cho đến nay, rõ ràng trong quá trình từ kỳ họp đó đến nay, với sự nỗ lực của Chính phủ, của bộ trưởng các ngành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngành nông nghiệp cũng tăng trưởng trên 3 phẩy. Đó là một dấu hiệu đáng mừng.

Sự cố gắng của Chính phủ, trong đó của tư lệnh ngành đóng vai trò quan trọng. Thế nên, phải đánh giá bằng việc theo dõi khách quan, đánh giá của nhân dân qua kiểm chứng thực tế và qua con số cụ thể.

- Với những lĩnh vực nhạy cảm và động chạm như Y tế, Giáo dục, dư luận luôn có nhiều ý kiến trái chiều, thưa ông? 

Y tế và giáo dục là những lĩnh vực rất nhạy cảm, gắn trực tiếp với đời sống hàng ngày của nhân dân. Vậy nên đòi hỏi tư lệnh ngành, người được bầu, Bộ trưởng của các bộ ngành phải là những người xác định được áp lực của mình khi vào vị trí.

 
Lấy phiếu tín nhiệm phải nhìn vào những thay đổi nhất định, nhìn vào sự phát triển, chứ không được nhìn hiện tượng

Đại biểu Tạ Văn Hạ

Ở đây ta phải nhìn vào những thay đổi nhất định, nhìn vào sự phát triển, chứ không được nhìn hiện tượng. Cần nhìn cả hệ thống, cả quá trình. Phải xem xét rất kỹ trong quá trình đi giám sát thực tế bộ ngành, nghe ý kiến của nhân dân, giải trình của Chính phủ, báo cáo của Chính phủ, của Bộ để có một đánh giá thực sự công tâm, khách quan.

Sự việc nổi cộm cũng là những điểm đáng lưu tâm nhưng căn nguyên của sự việc thì phải tìm hiểu. Đó là do chủ quan của Bộ trưởng, do chủ quan của ngành hay do điều kiện chung?

Ví dụ trong lĩnh vực giáo dục chẳng hạn, chất lượng giáo dục phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quản lý nhà nước, điều kiện trang thiết bị, đội ngũ… Tất cả những vấn đề này không thể giải quyết trong một sớm một chiều mà đòi hỏi phải có quá trình.

Những vấn đề đó sẽ được xem xét cụ thể, cả mặt được và mặt chưa được. Ví dụ như việc thi cử, mặt được là đỡ tốn kém, vất vả cho nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người đi học, đi thi.

Nhưng trong khâu quản lý, bảo mật còn kẽ hở. Vậy, ta phải đánh giá dựa trên căn cứ báo cáo của Chính phủ và của Ủy ban Văn hóa Giáo dục, báo cáo giải trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề thi cử và trong đó có những việc liên quan đến các ngành, các địa phương, chính quyền, liên quan đến cả ngành an ninh.

Những vấn đề để lọt, lộ là do trong quy trình các bước, cần phải xem lại nhược điểm ở điểm nào để đánh giá. Để khách quan cần phải nghiên cứu kỹ, đánh giá kỹ về mọi mặt, cái được và cái chưa được, cái hạn chế và cái nào có thể khắc phục được để rút kinh nghiệm thì Bộ cần rút kinh nghiệm để những kỳ sau tốt hơn.

- Đối với những người không nhận được tín nhiệm trong đợt này, ông kỳ vọng họ sẽ thay đổi thế nào?

Đây cũng là một kỳ sát hạch để đánh giá lại quá trình, để Bộ trưởng nhìn lại ngành của mình trong vai trò một thủ lĩnh, để nhìn nhận lại một cách tổng thể dưới góc nhìn của cử tri và Quốc hội về ngành của mình để có những giải pháp chấn chỉnh, để phát huy những cái được, để giải trình.

Nếu Bộ trưởng nào phiếu còn thấp thì cần phải xem lại mình, mình đã làm hết trách nhiệm chưa, năng lực đến đâu, cần phải có một giải pháp làm sao có bước tiến triển hơn, không chỉ đối với riêng cá nhân mà đối với toàn ngành.

- Đối với những Bộ trưởng, trưởng ngành có số phiếu tín nhiệm thấp nhất thì họ có nên tuyên bố điều gì hay xin từ chức không, thưa ông?

Tôi nghĩ đối với những vị trí như các Bộ trưởng họ sẽ có ứng xử phù hợp, vừa đáp ứng được mong muốn của mình, cũng đáp ứng được nguyện vọng của đại biểu quốc hội và của nhân dân.

- Nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia nói về văn hóa từ chức khi người lãnh đạo không đạt được tín nhiệm của Quốc hội?

Cũng nên nghĩ đến văn hóa đó. Nhưng hiện nay cơ chế của chúng ta là lãnh đạo tập thể và cá nhân phụ trách. Nói như vậy là có những ưu nhược điểm. Vừa rồi, Đảng có ra những chỉ thị, nghị quyết để phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, không chỉ về vấn đề nêu gương.

Các vị Bộ trưởng đều là đảng viên cả, nên theo tôi, họ cũng có những ứng xử cho đúng với quy định của Đảng.

Hội nghị Trung ương 8 vừa rồi đưa ra quy định về việc nêu gương, sau việc này rõ ràng ta nhìn thấy các vị Bộ trưởng, trưởng ngành có nêu gương hay không cũng sẽ thể hiện qua việc ứng xử sau này. 

Là đảng viên ưu tú được giới thiệu làm Bộ trưởng cần phải xử sự như một người ưu tú. Làm sao cán bộ Đảng viên cảm thấy phục và được dân tin yêu.

Xin cảm ơn ông!

Minh Đức - Anh Thư
Bình luận
vtcnews.vn