Đại biểu Quốc hội: 'Sao thời bình mà nhiều tướng đến thế'

Thời sựThứ Năm, 14/06/2018 15:05:00 +07:00

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu có ý kiến cho rằng tại sao trong lực lượng vũ trang Việt Nam trong thời bình sao mà nhiều tướng đến thế.

Ngày 14/6, góp ý cho Luật Công an nhân dân sửa đổi, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) bàn luận về cấp hàm cao nhất để phù hợp với chức vụ, vị trí công tác trong ngành công an.

"Theo quan điểm cá nhân, cấp hàm sĩ quan lãnh đạo của lực lượng vũ trang nói chung hiện nay không được vênh ngay trong lực lượng công an hoặc so sánh với sĩ quan của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bởi lẽ, việc thăng hàm và phong hàm cấp tướng đã và đang triển khai thực hiện theo quy định, nhưng dư luận xã hội cũng có nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến cho rằng tại sao trong lực lượng vũ trang Việt Nam trong thời bình sao mà nhiều tướng đến thế. Đặc biệt là sau những năm 2000 trở lại đây, số lượng tướng trong lực lượng vũ trang nói chung và trong ngành công an nói riêng đã tăng lên rất nhiều, trong đó cũng có cả những ý kiến của một số vị lão thành cách mạng đã từng nhiều năm cống hiến trong lực lượng vũ trang", đại biểu Tạo nói.

nguyen-tao

 Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng).

Vị đại biểu Lâm Đồng cho rằng phải bảo đảm được vị trí, uy tín của đội ngũ tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang nói chung và trong công an nói riêng, cố gắng hạn chế việc phong hàm nhanh, nhiều như trong thời gian đã qua.

"Có những lúc chúng ta phong hàm quá nhanh, nhanh hơn và nhiều người được phong hàm trong một năm, nhưng chất lượng của đội ngũ tướng lĩnh là vấn đề cần được suy nghĩ, cử tri đã và đang băn khoăn vì một số cán bộ tướng lĩnh vi phạm pháp luật trong thời gian vừa qua.

Trong quá trình đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cá nhân tôi rất đồng tình và bao giờ cũng có tinh thần suy tôn các vị tướng lĩnh đã có công với nước, với nhân dân và tôi thiết nghĩ rằng trong lòng nhân dân và cử tri cả nước cũng như vậy", đại biểu Nguyễn Tạo bày tỏ.

Đối với việc phong hàm thiếu tướng cho giám đốc công an cấp tỉnh, ông Tạo cho rằng sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có đặc điểm, tính chất, đặc thù của ngành công an nhân dân.

"Tờ trình của Chính phủ đã nêu đầy đủ các căn cứ và những lý do, tuy nhiên nếu nhìn nhận một mặt bằng chung như hiện nay qua quá trình triển khai Luật Sĩ quan quân đội nhân dân từ năm 2014 đến nay thì vấn đề tương quan giữa lực lượng công an và quân đội ở địa phương có sự vênh nhau, giám đốc công an thì thiếu tướng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh thì cấp bậc đại tá", đại biểu Tạo băn khoăn.

Về cấp Ủy đảng thì cả 2 đều là Thường vụ Tỉnh ủy, nếu có sự cố, tình huống chiến tranh xảy ra thì Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự sẽ là nhân sự chỉ huy chung mà lực lượng công an chỉ tham gia phối hợp.

Đối chiếu lại, chúng ta vừa thông qua Luật Quốc phòng, trong đó có đặt ra tình huống giới nghiêm, tình huống thiết quân luật, quy định vai trò của chỉ huy quân sự địa phương. Mặt khác, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự địa phương là sĩ quan quân đội nhân dân đã có kỹ năng được huấn luyện và đào tạo.

"Ví dụ, phòng thủ cấp tỉnh đã qua trường lớp phối hợp binh chủng hợp thành hoặc chỉ huy lực lượng dân quân tự vệ theo Luật Dân quân tự vệ và chỉ huy lực lượng dự bị động viên. Vì vậy, người có quân hàm cấp thấp lại chỉ huy người có quân hàm cấp cao.

Điều này xem chừng bất hợp lý và khập khiễng trong quy trình tác chiến quân sự. Để bảo đảm sự cân bằng về hàm tướng lĩnh ở địa phương, vấn đề đặt ra là chúng ta phải sửa đổi Luật Sĩ quan quân đội nhân dân và nâng hàm tướng cho chỉ huy trưởng lực lượng quân sự tỉnh, nếu sửa luật và phong hàm tướng nhiều hơn thì tôi e rằng cử tri và dư luận xã hội sẽ không đồng tình ủng hộ", đại biểu Tạo nêu ý kiến.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn