• Zalo

Đại biểu Quốc hội: 'Ông Trần Đại Quang là người nhân hậu, kiên quyết'

Thời sựThứ Bảy, 02/04/2016 07:45:00 +07:00Google News

Các đại biểu Quốc hội đã đưa ra đánh giá về ứng viên duy nhất được giới thiệu để bầu Chủ tịch nước vào sáng nay (2/4).

(VTC News) - Sáng nay (2/4), với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã bầu đại tướng Trần Đại Quang làm tân Chủ tịch nước.

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã đọc nghị quyết về việc bầu ông Trần Đại Quang giữ chức Chủ tịch nước. Theo biểu quyết, số đại biểu tán thành nghị quyết là 460 chiếm hơn 96% số phiếu, 1 đại biểu không tán thành và 4 đại biểu không bỏ phiếu.

Ông Trần Đại Quang là ứng viên duy nhất được giới thiệu để bầu Chủ tịch nước
Ông Trần Đại Quang vừa trở thành tân Chủ tịch nước  
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao vai trò và những nhiệm vụ đã làm được của Đại tướng Trần Đại Quang.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đánh giá, với cương vị là người đứng đầu lực lượng An ninh, Cảnh sát, Đại tướng Trần Đại Quang đã thực hiện tốt sự phối hợp với Bộ Quốc phòng trong nhiệm vụ giữ trọn vẹn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

"Với cương vị Bộ trưởng, đồng chí đã tập trung chỉ đạo công tác xây dựng lực lượng, rèn luyện cán bộ chiến sĩ, xử lý cương quyết các vụ trọng án.

Khi trực tiếp kiểm tra những hoạt động của công an địa phương, Bộ trưởng đã có những chỉ đạo rất quyết liệt.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng thể hiện là con người giàu lòng nhân hậu, cương quyết xử lý các trường hợp để xảy ra oan sai", ông Đương đánh giá.
Đại biểu Đỗ Văn Đương
Đại biểu Đỗ Văn Đương 
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cũng bày tỏ sự đánh giá rất cao Đại tướng Trần Đại Quang.

Đại biểu Trương Minh Hoàng cho rằng ông Quang đã đạt được những kết quả đáng kể trong công tác trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực. Từ khâu trấn áp các loại tội phạm, phòng chống các loại tội phạm xuyên Quốc gia, phá các vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau)
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) 
"Với kinh nghiệm, nền tảng qua đảm nhiệm các vị trí tôi tin và kỳ vọng đồng chí Trần Đại Quang khi được bầu vào vị trí Chủ tịch nước sẽ kế thừa và phát huy được thành tựu của các vị Chủ tịch nước và tạo được nhiều dấu ấn. Tôi hy vọng Đại tướng Trần Đại Quang sẽ có nhiều thành công trong cương vị của mình", ông Hoàng bày tỏ.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội)
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) 
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng cho hay, Đại tướng Trần Đại Quang là một nhà khoa học trong lĩnh vực CAND.

Vì thế, trong tình thế đất nước, bối cảnh trong nước và quốc tế như hiện nay, một nhà khoa học có tầm nhìn sâu rộng về đảm bảo quốc phòng an ninh là sự kỳ vọng, tin tưởng, lựa chọn của Đảng, Nhà nước.

Đại biểu Khánh nhận xét khi trao đổi về việc này việc kia thúc đẩy việc bảo vệ trật tự an toàn xã hội, ông Trần Đại Quang là người rất biết lắng nghe, dễ gần.


Video: Tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ trước Quốc hội


Trước đó, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá, Đại tướng Trần Đại Quang là người rất tích cực trong công việc.

Đồng thời, thông qua sự chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Đại Quang, rất nhiều các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự đã được xử lý nhanh chóng, tạo niềm tin cho nhân dân.

“Ông Trần Đại Quang trúng cử sẽ đảm nhiệm tốt vị trí nguyên thủ Quốc gia ở cả đối nội và đối ngoại”, bà Nguyễn Thị Khá tin tưởng.
 
 Quá trình hoạt động của ông Trần Đại Quang

- 7/1972-10/1972: Học viên trường Cảnh sát Nhân dân.

- 10/1972-10/1975: Học viên Trường Văn hóa Ngoại ngữ Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

- 10/1975-11/1976: Cán bộ Cục Bảo vệ chính trị I, Bộ Nội vụ.

- 12/1978-9/1982: Cán bộ Cục Bảo vệ chính trị II, Bộ Nội vụ.

- 9/1982-6/1987: Phó trưởng phòng nghiệp vụ, Cục Bảo vệ chính trị II, Bộ Nội vụ; học Đại học An ninh (từ 1981-1986).

- 6/1987-6/1990: Trưởng phòng Tham mưu, Trưởng phòng nghiệp vụ, Cục Bảo vệ chính trị II, Bộ Nội vụ; học lý luận cao cấp tại Học viện Nguyễn Ái Quốc (10/1989-4/1991).

- 6/1990-9/1996: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh rồi Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tham mưu An ninh, Tổng cục An ninh; học Đại học Luật Hà Nội (1991-1994).

- 9/1996-10/2000: Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục An ninh, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh, nghiên cứu sinh tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (1994-1997).

- 10/2000-4/2006: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an, Thiếu tướng (2003); được phong hàm phó Giáo sư năm 2003.

- 4/2006-1/2011: Trung tướng (4/2007), Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; được phong hàm Giáo sư năm 2009. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần X của Đảng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng.

- 1/2011-12/2011: Trung tướng, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần XI của Đảng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị; đại biểu Quốc hội khóa XIII. Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIII, được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Công an.

- Từ 5/12/2011: Ông Trần Đại Quang được thăng quân hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an.

- Ngày 29/12/2012: Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã trao Quyết định thăng cấp bậc hàm từ Thượng tướng lên Đại tướng cho đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.


Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn