Trong thời gian vừa qua, trên mạng xã hội, nhiều người liên tiếp lên tiếng yêu cầu các nghệ sĩ làm từ thiện phải công khai sao kê. Có thể nói, đó là dấu hiệu cho thấy, niềm tin của công chúng vào các hoạt động từ thiện của người nổi tiếng đang bị lung lay.
Trước thực trạng này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có những chia sẻ cụ thể với phóng viên VTC News.
- Trong thời gian vừa qua, các nghệ sĩ nổi tiếng khi kêu gọi từ thiện thường nhanh chóng nhận được số tiền lớn từ phía công chúng. Theo ông, lý do vì sao công chúng lại hưởng ứng lời kêu gọi của những nghệ sĩ này nhiều tới thế?
Trong một xã hội văn minh, con người có điều kiện, mong muốn và nhu cầu được chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng, hứa hẹn xây dựng một xã hội hạnh phúc, không ai bị bỏ lại phía sau và với người Việt cũng phản ánh triết lý “lá lành đùm lá rách”. Nhiều người sẵn sàng giúp đỡ người khác mà không cần bất cứ một lý do gì. Việc giúp đỡ, không chỉ mang lại cái phao cứu sinh cho những người gặp khó khăn, mà đôi khi mang lại niềm vui cho chính người đưa tay ra giúp đỡ.
Nhu cầu được làm từ thiện của con người ngày càng nhiều, nó đặc biệt lớn mỗi khi có thiên tai hay sự cố nghiêm trọng. Tuy nhiên, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng, trong thời gian qua, có một số cơ quan, tổ chức của nhà nước đã làm suy giảm niềm tin của công chúng. Những câu chuyện sử dụng tiền cứu trợ sai mục đích, tiền không đến đúng với người cần, hay "bò đi lạc vào nhà quan"...ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của người dân. Chính vì thế, họ tìm tới một kênh khác, có thể chuyển sự giúp đỡ của họ tới với những người thực sự cần.
Nghệ sĩ nổi tiếng là những người được công chúng yêu mến, dành cho nhiều tình cảm và niềm tin. Vì thế, khi họ đứng ra kêu gọi từ thiện, rất dễ nhận được sự hưởng ứng của nhiều tầng lớp trong xã hội.
- Trước đây, công chúng đã gửi trọn niềm tin cho các nghệ sĩ, nhờ họ chuyển sự hỗ trợ của mình đến với những người cần mà không đưa ra bất cứ yêu cầu nào, vậy sao giờ đây, họ lại yêu cầu phải có sao kê?
Trong thời gian qua, có rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng làm từ thiện. Đa phần điều này đến từ tấm lòng, tình cảm của họ dành cho những hoàn cảnh khó khăn. Lòng trắc ẩn của nghệ sĩ đối với khó khăn trong xã hội chắc chắn là điều chúng ta phải đánh giá cao vì điều đó có thể truyền cảm hứng cho nhiều người làm theo họ. Tuy nhiên, một số ít nghệ sĩ đã không thực hiện tốt công việc thiện nguyện của họ. Có người chậm giải ngân, có người khi quyên góp thì nói rằng sẽ tự tay đi trao, sau đó bận việc lại bảo chuyển cho người khác. Rồi khi người đó lên tiếng chưa nhận được thì mới vỡ lẽ ra là họ lại chuyển cho một người khác nữa làm từ thiện hộ.
Ở đây, tôi không kết luận các nghệ sĩ đó có trục lợi hay không nhưng rõ ràng, họ đã không đảm bảo yếu tố minh bạch trong các hoạt động từ thiện của mình. Điều đó khiến công chúng nảy sinh sự nghi ngờ và yêu cầu được xem sao kê.
Về mặt hình thức, tôi nghĩ rằng yêu cầu người nổi tiếng phải cung cấp đầy đủ sao kê khi làm từ thiện của công chúng là hợp lý. Trong bất cứ hoạt động giao dịch nào, dù là trong lĩnh vực làm từ thiện, hay kinh tế đều cần sự minh bạch, rõ ràng. Công chúng đã tin tưởng gửi tiền cho các nghệ sĩ làm từ thiện, họ có quyền được biết đồng tiền của mình được dùng như thế nào, có đúng mục đích hay không, có vụ lợi hay không.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc công khai minh bạch này lại không đơn giản. Các nghệ sĩ làm từ thiện chủ yếu xuất phát từ lòng trắc ẩn trước khó khăn của cuộc sống, và đôi khi là ngẫu hứng. Khi thấy có những hoàn cảnh khó khăn, họ lập tức giúp đỡ rồi thông qua uy tín, thương hiệu của mình, họ kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hỗ trợ.
Nghệ sĩ không phải là người chuyên nghiệp trong việc làm từ thiện. Họ phần đa đều làm từ thiện xuất phát từ cái tâm, từ mong muốn được sẻ chia, giúp đỡ người khác. Chính vì làm từ thiện chủ yếu bằng tấm lòng, làm từ thiện kiểu "nghệ sĩ", không chuyên nghiệp ngẫu hứng chứ không theo kế hoạch bài bản nên đôi khi khi dẫn tới những ồn ào không đáng có, khiến cho công chúng nghi ngờ sự minh bạch trong các hoạt động của họ.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể phụ nhận rằng, có một bộ phận nghệ sĩ lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi.
- Nghệ sĩ có phải là người duy nhất phải chịu trách nhiệm trong sự ồn ào này không thưa ông?
Tôi nghĩ người phải chịu trách nhiệm đầu tiên là các nghệ sĩ. Khi họ đã đứng ra kêu gọi từ thiện bằng chính hình ảnh và uy tín của mình, tức là họ phải chịu trách nhiệm với niềm tin của công chúng. Họ cần phải có nghĩa vụ sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng số tiền kêu gọi được. Tuy nhiên, như tôi đã nói phía trên, phần lớn các nghệ sĩ chỉ mới làm từ thiện bằng cái tâm, làm từ thiện chưa chuyên nghiệp, nên họ vướng phải những ồn ào như trong thời gian gần đây là điều dễ hiểu. Đây chính là thời điểm, các nghệ sĩ cần phải nhìn nhận lại cách làm từ thiện của mình, phải có những thay đổi để hoạt động của mình được công khai, minh bạch và hiệu quả hơn.
Chúng ta chưa tạo được một hành lang pháp lý định hướng cũng như hỗ trợ những nghệ sĩ nói riêng và những cá nhân, tổ chức có mong muốn được làm từ thiện, quyên góp tiền từ thiện.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn
Tuy nhiên, lỗi lại không phải hoàn toàn là do các nghệ sĩ. Pháp luật Việt Nam chưa có những quy định chặt chẽ, rõ ràng về việc kêu gọi tài trợ, kêu gọi từ thiện. Chúng ta chưa tạo được một hành lang pháp lý định hướng cũng như hỗ trợ những nghệ sĩ nói riêng và những cá nhân, tổ chức có mong muốn được làm từ thiện, quyên góp từ thiện nói chung.
- Trước yêu cầu đòi sao kê từ phía công chúng, nghệ sĩ có người lên tiếng giải thích, có người khắc phục hậu quả, và cũng có người im lặng. Ông đánh giá thế nào về cách phản ứng này?
Mỗi người đều có quyền lựa chọn cách hành xử riêng, dựa trên hoàn cảnh thực tế của mọi người. Tuy nhiên, tôi tin rằng, nếu người nghệ sĩ làm từ thiện bằng lòng tốt, bằng thiện tâm, bằng mong muốn được chia sẻ, giúp đỡ những người gặp khó khăn, không vụ lợi, dối gian thì nếu có sai sót nào đó, công chúng cũng sẽ hiểu và bỏ qua. Còn những người mượn danh từ thiện để trục lợi thì chắc chắn sẽ nhận phải hậu quả, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín và hình ảnh nghệ sĩ của họ
- Nghệ sĩ làm từ thiện chủ yếu từ cái tâm và chủ yếu mang tính chất tự nguyện, ngẫu hứng. Họ không được hướng dẫn làm từ thiện một cách chuyên nghiệp. Vậy việc công chúng liên tiếp đòi sao kê trong những ngày gần đây, có khiến các nghệ sĩ trở nên e dè, sợ hãi, thậm chí là không muốn làm từ thiện nữa?
Tôi nghĩ là sẽ có hiện tượng đó. Sẽ có nhiều người e dè, thậm chí không muốn làm từ thiện nữa, vì họ sợ lòng tốt của mình lại bị nghi ngờ, bị chất vấn và không muốn vướng vào những lùm xùm không đáng có với sự nghiệp của mình.
Nhưng với những người thực tâm muốn làm điều tốt, muốn được giúp đỡ những mảnh đời gặp khó khăn, họ sẽ không quản ngại vất vả. Họ sẽ có thêm động lực để làm từ thiện một cách chuyên nghiệp, rõ ràng và minh bạch hơn. Đây là điều không phải là không thể thực hiện được bởi trong thực tế hiện nay, có rất nhiều cá nhân, tổ chức đã tạo được niềm tin của công chúng khi làm từ thiện.
Việc minh bạch sẽ trả lại môi trường trong sạch cho việc từ thiện. Người làm từ thiện sẽ không phải đối diện với những nghi ngờ hay ồn ào như trong thời gian vừa qua. Còn công chúng sẽ có thêm niềm tin và động lực để làm từ thiện nhiều hơn nữa.
Bình luận