Trong 3 ngày 31/10 đến 2/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018.
Phát biểu đầu tiên tại hội trường sáng 1/11, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn) lo lắng trước tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang ngày càng gia tăng. Mỗi năm, Việt Nam có hơn 1.300 trẻ em bị xâm hại tình dục.
Tuy nhiên, nhiều vụ việc đã không được đưa ra xét xử do không chứng minh được tội phạm. Đó cũng là băn khoăn hiện nay của dư luận và đại biểu.
"Nhiều sự việc nghiêm trọng nhưng sau khi xảy ra lại bị bỏ lọt, khó chứng minh tội phạm”, đại biểu Thuỷ nói.
Vị đại biểu này cho rằng để xảy ra tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục là do gia đình chưa trang bị cho trẻ những kiến thức cần thiết trước khi bị xâm hại.
"Khi vụ việc xảy ra thì một số gia đình “cam chịu bỏ qua, chấp nhận đau đớn về tinh thần”, hoặc đưa vụ việc ra công luận thì lại thiếu chứng cứ để xử lý người phạm tội", đại biểu Thuỷ nói.
Trong khi đó, Luật giám định chưa có quy định riêng cho loại vụ án này, gia đình người bị hại chỉ có thể trưng cầu giám định sau 7 ngày. Bà Thuỷ đề nghị sửa luật theo hướng cho phép gia đình nạn nhân được trưng cầu giám định ngay sau khi vụ việc xảy ra.
"Luật có 15 cơ quan bảo vệ trẻ em và Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội là cơ quan đầu mối, nhưng không cơ quan nào đưa ra được số liệu đầy đủ, chính xác về nạn xâm hại tình dục trẻ em", đại biểu Thủy nói.
Video: Thiếu chứng cứ, nhiều vụ trẻ em bị xâm hại không thể đưa ra ánh sáng
Bình luận