• Zalo

Đại biểu Quốc hội: 'Luật quy định dày đặc, xử oan sai vẫn nhiều'

Thời sựThứ Ba, 25/11/2014 04:46:00 +07:00Google News

(VTC News) - Đại biểu Quốc hội cho rằng luật ở Việt Nam quy định rất dày đặc, nhưng khi xét xử vẫn còn oan sai rất nhiều.

(VTC News) - Đại biểu Quốc hội cho rằng luật ở Việt Nam quy định rất dày đặc, nhưng khi xét xử vẫn còn oan sai rất nhiều.

Sáng 25/11, trong phiên thảo luận tại hội trường, các đại biểu cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật dân sự cần tăng cường các biện pháp để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng)
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) 

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho biết trong dự thảo luật có quy định nếu như không có luật thì áp dụng sự thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận thì áp dụng theo tập quán, nếu không có tập quán thì áp dụng nguyên tắc tương tự, không có nguyên tắc tương tự thì áp dụng nguyên tắc cơ bản của Bộ luật dân sự.

“Nếu không áp dụng được nguyên tắc tương tự thì vì lẽ công bằng của pháp luật và đạo đức xã hội thì tòa án phải xét xử. Nếu chúng ta thực hiện được điều này thì quá tốt”, ông Thuyền nêu quan điểm.

Vị đại biểu tỉnh Lâm Đồng cho rằng thực tiễn hiện nay rất nhiều người dân rất bức xúc về vấn đề tòa không thụ lý đơn của họ.

 

Luật của chúng ta đọc rất hay, nhưng khi cụ thể để xét xử thì rất khó. Trong này ta có quy định là vì lẽ công bằng của xã hội mà chúng ta xét xử, thực sự như thế nào là công bằng?
ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền
 
“Nếu theo quy định của Bộ luật dân sự lần này, chúng ta khẳng định vấn đề này tòa án làm được thì chắc chắn người dân sẽ được hưởng lợi rất nhiều, bởi vì có rất nhiều vấn đề người dân đã khởi kiện lên tòa án, tòa án trả lại hồ sơ và họ không biết kiện đi đâu.

Nếu như áp dụng được điều này thì giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc của người dân”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói.

Tuy nhiên, ông Thuyền cũng tỏ ra băn khoăn về điều này, bởi trình độ dân trí của người Việt còn thấp, trình độ thẩm phán cũng chưa đạt yêu cầu.

“Bây giờ luật pháp quy định rất nhiều, có luật chúng ta xử còn sai. Luật này quy định rất dày đặc, nhưng chúng ta xét xử vẫn còn oan sai rất nhiều, nên tôi đề nghị phải có tính toán rất kỹ”, đại biểu Thuyền kiến nghị.

Đại biểu Thuyền cho rằng phải căn cứ vào luật, nếu không có luật thì không được xử.

Ông Thuyền cũng lấy ví dụ Luật hôn nhân gia đình, các nước quy định rất cụ thể những điều kiện được ly hôn và những điều kiện không được ly hôn. Nhưng luật của Việt Nam quy định "mục đích hôn nhân không đạt được, mâu thuẫn trở nên trầm trọng thì cho ly hôn".

“Thực ra, tòa cấp dưới bảo vấn đề này rất trầm trọng, tòa cấp trên bảo tôi thấy chưa trầm trọng, tôi hủy án. Hiểu như thế nào là trầm trọng?

Luật của chúng ta đọc rất hay, nhưng khi cụ thể để xét xử thì rất khó. Trong này ta có quy định là vì lẽ công bằng của xã hội mà chúng ta xét xử, thực sự như thế nào là công bằng? Có người nói vấn đề này công bằng, tòa sơ thẩm bảo vấn đề này là công bằng, tòa cấp trên bảo vấn đề này chưa công bằng”, đại biểu Thuyền nói.

Để giải quyết vấn đề công bằng, ông Thuyền cho rằng đòi hỏi trình độ thẩm phán phải thật sự uyên thông.

Ngoài ra, về một số thuật ngữ mới "vật quyền, trái quyền", "hành vi pháp lý dân sự, giao dịch dân sự" như trong dự thảo luật cũng gây khó hiểu. Ông Thuyền cho rằng, trước đây đã gọi là "tài sản và quyền sở hữu tải sản", bây giờ đổi là "vật quyền" thì cần làm rõ những nội dung giống nhau và khác nhau.

“Theo tôi nghĩ nội dung không có gì khác, có cần thiết phải đổi không? Cần có sự cân nhắc”, đại biểu Thuyền nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, vị đại biểu tỉnh Lâm Đồng cho biết luật quy định rất nhiều loại hợp đồng, nhưng ông muốn bổ sung hai loại hợp đồng, trong thực tiễn xảy ra cần có sự cân nhắc, điều chỉnh trong Bộ luật dân sự này.

“Ví dụ, "hợp đồng cần mẫn", bây giờ có nhiều giáo viên, bác sĩ, luật sư là những người hợp đồng cần mẫn. Tôi có quyền dạy học, đỗ hay không đỗ thì vẫn phải trả tiền, tôi là bác sĩ sống hay chết vẫn phải trả tiền, luật sư cãi thắng hay không thắng vẫn phải trả tiền”, ông Thuyền dẫn chứng.

Nếu luật không quy định loại hợp đồng này riêng thì thực tiễn phát sinh, có người đã khiếu kiện đến vấn đề này, giải quyết rất khó.

Ngoài ra, ông Thuyền cũng đề xuất thêm hợp đồng hảo ý.

“Hợp đồng hảo ý là hợp đồng, ví dụ tôi gửi xe nhà anh, rõ ràng hảo ý là tôi giữ hộ anh xe, xe nhà tôi cũng có thể mất. Nhưng bây giờ nếu anh nhận gửi xe, đương nhiên anh chấp nhận thì phải bồi thường. Hoặc những người đi nhờ xe, đang đi dọc đường có cháu đi học vẫy đi nhờ, không may bị tai nạn nó chết, cũng phải đền”, ông Thuyền lấy ví dụ.

Vì vậy, ông Thuyền cho rằng cần phải quy định rõ cho rành mạch hợp đồng hảo ý. “Nhờ tôi giúp đỡ, về đạo lý tôi giúp đỡ anh, nhưng bây giờ bắt tôi bồi thường là vô lý. Tôi nghĩ trong Luật dân sự cần bổ sung thêm 2 hợp đồng đó để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đề xuất.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn