Sáng 24/6, Kỳ họp 5, Quốc hội khoá XV tiếp tục thảo luận về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phân tích, cả nước có gần 103.600 thôn, bản, ấp, khóm, tổ dân phố, nếu thành lập thì cần hơn 103.600 tổ an ninh cơ sở. Dự luật không quy định mỗi tổ có bao nhiêu thành viên và giao UBND cấp xã quyết, giao HĐND cấp tỉnh quyết định mức chi phù hợp với điều kiện của địa phương. Việc này sẽ rất khó tính tổng biên chế và kinh phí hoạt động.
Ông dẫn chứng, nếu mỗi tổ có 5 thành viên, tổng số sẽ là 518.000 người tham gia bảo vệ an ninh cơ sở. Nếu mức bồi dưỡng cho mỗi thành viên bằng hệ số một mức lương cơ sở, cùng khoản hỗ trợ khác thì mỗi người hưởng khoảng 2 triệu đồng/tháng. Vậy tổng mức chi cho lực lượng này tring cả nước là 1.000 tỷ đồng/tháng.
Bên cạnh đó, ông Hòa cũng chỉ ra sự bất cập khi chỉ công an xã bán chuyên được phụ cấp theo hệ số một và phụ cấp khác với tổng khoảng 3 triệu đồng/tháng, còn tổ phó và tổ viên không nhận được mức như vậy, ở một số địa phương khó khăn có thể chỉ được vài trăm nghìn đồng.
Do đó, Quốc hội, cơ quan soạn thảo nghiên cứu cần thận trọng, cân nhắc xem có nên thông qua luật này hay không nếu "làm tăng chi ngân sách, tăng biên chế và tổ chức bộ máy, không công bằng với đối tượng khác cùng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc", ông Hoà kiến nghị.
Đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội băn khoăn, việc tổ chức lại lực lượng làm tăng biên chế, tăng chi ngân sách Nhà nước. Về điều kiện hoạt động, dự luật quy định rất nhiều chế độ, chính sách cụ thể. Để thực hiện các điều khoản như trong dự thảo cần nguồn lực tương đối lớn, cần cơ chế tài chính cụ thể hơn mới đảm bảo tính khả thi trong khi việc đánh giá về nguồn lực chưa đầy đủ.
"Chúng ta đang so sánh với lực lượng hiện có, còn khi sắp xếp lực lượng mới, chế độ chính sách phát sinh là rất nhiều", bà Tâm nói và đề nghị đánh giá tác động toàn diện về nguồn lực thực hiện, quy định rõ ràng hơn về mức chi ngân sách và có dự toán chi tiết mức chi sau kiện toàn.
Điều 16 dự thảo nêu, kinh phí hoạt động và trang bị cơ sở vật chất của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do ngân sách địa phương bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) cũng băn khoăn, liệu việc thành lập lực lượng trên có tàm tăng biên chế và ngân sách Nhà nước không.
Dự luật quy định UBND cấp xã rà soát, tổng hợp số lượng tổ bảo vệ an ninh, trật tự cần thành lập, bố trí tại thôn, tổ dân phố và nhu cầu về số lượng chức danh tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại các thôn, tổ dân phố, báo cáo trình UBND, HĐND cấp trên xem xét, quyết định. Theo bà Tâm, quy định như vậy sẽ tạo sự tùy nghi, không thống nhất thực hiện giữa các địa phương, nên nghiên cứu bổ sung tiêu chí thành lập tổ, số lượng tổ để áp dụng toàn quốc, lưu ý các địa bàn vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới để bố trí số lượng phù hợp.
Mặt khác, bà Tâm cũng đề nghị làm rõ tư cách, nhiệm vụ của lực lượng để tránh lạm quyền; quy định rõ trách nhiệm bồi thường, xử lý khi lực lượng này vi phạm, sai phạm.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) cho rằng, cần đánh giá tác động kỹ hơn về việc tổ chức, ngân sách khi thành lập lực lượng này.
"Cần xác định lực lượng an ninh cơ sở là đội ngũ hỗ trợ công an xã, từ đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, chính sách phù hợp với lực lượng này", bà Tuyết nêu. Theo bà, cần quy định rõ mối quan hệ giữa lực lượng này với các tổ chức khác ở cơ sở để xác định rõ trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.
Bình luận