Đại biểu Quốc hội: Lấy đất xong là 'chạy tầng, chạy mật độ'

Thời sựThứ Năm, 10/04/2014 07:27:00 +07:00

(VTC News)- Đại biểu Quốc hội cho rằng quy hoạch xây dựng tại Việt Nam đang đi chậm hơn những yếu tố khác dẫn tới việc đô thị lộn xộn.

(VTC News)- Đại biểu Quốc hội cho rằng quy hoạch xây dựng tại Việt Nam đang đi sau những yếu tố khác dẫn tới bộ mặt đô thị lộn xộn, chắp vá.

Chiều 10/4, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) với nhiều nội dung quan trọng.

Góp ý vào dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi), đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) đặt câu hỏi: "Thế nào quy hoạch chi tiết? Điều này cần làm rõ".

Trần Du Lịch
Đại biểu Trần Du Lịch (Ảnh: Phạm Thịnh) 
Ông Trần Du Lịch cho rằng, nghiên cứu từ thực tế các nước chỉ ra rằng, điều quan trọng không phải là cấp phép xây dựng mà là quy hoạch.

"Cấp phép thì ai cấp cũng được, miễn là phải tuân thủ quy hoạch. Quy hoạch mới là quan trọng". Vị đại biểu này cũng cho rằng, trong nội dung cấp phép xây dựng phải chú ý đến mật độ xây dựng.

"Tôi lấy ví dụ quy hoạch xây dựng tại TP.HCM. Mật độ xây dựng tại con đường Điện Biên Phủ là 3,5 tầng nhưng đó chỉ là chỉ số trung bình chung vì có người xây tới 10 tầng. Như vậy, lỗ hổng này để người ta đi “chạy tầng”. Luật này sửa chưa?", ông Trần Du Lịch cho biết.

Vị đại biểu này cũng lấy ví dụ ở Thượng Hải (Trung Quốc). Ở đó, khi hỏi số nhà nào là có thể biết ngay khu vực đó được xây dựng bao nhiêu tầng, miếng đất này được xây bao nhiêu tầng. 

Đáng lẽ chúng ta phải quy hoạch xây dựng mật độ tầng cao trước rồi mới tính giá đất. Còn bây giờ để người ta chuyển nhượng đất xong mới chạy số tầng. Bởi vì số tầng bao nhiêu nó sẽ quyết định giá đất.

Ông Trần Du Lịch thẳng thắn chia sẻ: "Luật này phải giải quyết các vấn đề thực tế như vậy. Thực tế đặt ra nhưng luật lại đang đi ngược. Họ mua xong mới "chạy tầng, chạy mật độ". Mật độ, số tầng sẽ quyết định giá đất. Thành ra đáng nhẽ cần đi trước thì quy hoạch lại đi sau. Đây cũng là bức xúc về quy  hoạch tại Việt Nam hiện nay".

Vị đại biểu này cũng cho rằng, Luật Xây dựng sửa đổi phải "khóa" được những bất hợp lý đã nêu. Luật ra phải giải quyết được bức xúc từ thực tế của TP.HCM.

"Tình trạng nhức nhối nhất là lấy đất xong bắt đầu chạy tầng, chạy mật độ. Thực tế, người ta mua xong đất rồi từ 10 tầng chạy thành 15 tầng", ông Trần Du Lịch nêu ý kiến.

 

Tình trạng nhức nhối nhất là lấy đất xong bắt đầu chạy tầng, chạy mật độ

Đại biểu Trần Du Lịch
 
Cũng có đồng quan điểm này, ông Đại biểu Nguyễn Văn Phúc hi vọng Luật Xây dựng khi hoàn thành sẽ khắc phục nhiều khuyết điểm trong quy hoạch xây dựng hiện nay. “Sẽ không còn những quy hoạch như đường Trường Chinh, Ô Chợ Dừa như hiện nay”.

Một số đại biểu quốc hội đề nghị cần quy định cụ thể hơn và khả thi hơn đối với điều kiện cấp giấy phép xây dựng, giấy phép xây dựng tạm.

Thậm chí, có ý kiến đề nghị cần quy định rõ trường hợp nào không cần giấy phép xây dựng, đặc biệt là địa bàn nông thôn.

Bàn về vấn đề này, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho rằng đây là ý kiến rất xác đáng cần phải tiếp thu.
 
Do đó, tiếp thu ý kiến xác đáng nêu trên, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể hơn về điều kiện cấp giấy phép đối với công trình, nhà ở riêng lẻ ở đô thị, ngoài đô thị, nông thôn; giấy phép xây dựng tạm.

Điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình và nhà ở riêng lẻ tại đô thị, khi chưa có quy hoạch xây dựng chi tiết thì phải phù hợp với Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị được UBND cấp tỉnh ban hành.

Ngoài ra, dự thảo Luật đã bổ sung 3 điều mới quy định về hồ sơ cấp giấy phép xây dựng đối với các trường hợp xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình.
Đường Trường Chinh bị bẻ cong
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc cũng hy vọng, khi Luật Xây dựng được hoàn thành sẽ không còn những trường hợp như Đường Trường Chinh, Ô Chợ Dừa như báo chí phản ánh thời gian qua 
Về các trường hợp không cần giấy phép xây dựng, tiếp thu ý kiến xác đáng của ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung khoản 2 Điều 89 quy định rõ các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.

Về việc lựa chọn nhà thầu có hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị cần có quy định về tiêu chí lựa chọn nhà thầu để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước được trực tiếp tham gia các hoạt động xây dựng, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh phục vụ đắc lực hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng đất nước.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng đã có Luật đấu thầu thì không nên quy định về vấn đề này để tránh chồng chéo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy loại ý kiến thứ nhất là xác đáng cần phải tiếp thu, nhưng đồng thời các quy định về lựa chọn nhà thầu cũng phải phù hợp với pháp luật về đấu thầu vừa được Quốc hội thông qua.

Vì vậy, qua cân nhắc một cách kỹ lưỡng cùng với tham vấn ý kiến chuyên gia, dự thảo Luật đã được bổ sung nội dung này như tại Điều 109 của dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 1 Điều 148 về điều kiện năng lực và việc cấp phép đối với nhà thầu là pháp nhân nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam vì chưa thực sự phù hợp với Luật đấu thầu mà Quốc hội mới thông qua.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu (Ảnh: Phạm Thịnh) 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội cho phép giữ lại quy định.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội giải thích: "Theo quy định của Luật đấu thầu thì chỉ trường hợp có đấu thầu quốc tế, nhà thầu nước ngoài mới được vào Việt Nam. Trong khi đó, đối với các nguồn vốn khác nhà thầu nước ngoài vào Việt Nam tự do, phần lớn là chỉ định thầu".
 
Theo tổng kết của Bộ Xây dựng, hàng năm có khoảng 150 lượt nhà thầu nước ngoài vào Việt Nam thực hiện các công trình xây dựng, trong đó chỉ có khoảng 10% số nhà thầu thực hiện các gói thầu có vốn nhà nước theo hình thức đấu thầu quốc tế, mà chủ yếu là các dự án sử dụng vốn vay ODA.

Như vậy, còn khoảng 90% số nhà thầu vào Việt Nam để thực hiện các công trình vốn FDI và các công trình không phải vốn nhà nước chưa được Luật đấu thầu điều chỉnh.

Việc quản lý nhà nước đối với hoạt động của nhà thầu nước ngoài là thông lệ quốc tế, thể hiện chủ quyền quốc gia của nước chủ nhà đối với hoạt động kinh doanh của pháp nhân nước ngoài.

Qua nghiên cứu pháp luật của các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, cho thấy các nước này đều có những chính sách quản lý nhà thầu nước ngoài.

Để xác định chủ quyền, quyền lợi quốc gia và hội nhập với khu vực và thế giới, việc cấp giấy phép và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động tư vấn xây dựng và xây lắp công trình tại Việt Nam đã được tiến hành nhiều năm nay.

Việc này đã được các nhà thầu tán thành và thực hiện nghiêm túc. Đây là những biện pháp bảo vệ thị trường xây dựng trong nước, đảm bảo việc làm cho các doanh nghiệp trong nước, hạn chế dòng tiền chảy ra nước ngoài, mà các nước đều có quy định và cũng là nội dung mà Việt Nam đã ký kết khi gia nhập WTO, ký kết tại Hiệp định song phương Việt Nam - Hoa kỳ, Hiệp định với các nước ASEAN.    

Một số đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu về thời gian quy hoạch kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Quy hoạch xây dựng liên quan đến quá trình đầu tư xây dựng trước mắt và lâu dài; quy hoạch xây dựng phải dự báo một cách khoa học để đáp ứng yêu cầu thực tế và xu thế phát triển.

Do vậy, để đáp ứng các yêu cầu trên và qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đối với quy hoạch xây dựng vùng và khu chức năng đặc thù thì thời hạn quy hoạch từ 20 – 25 năm, quy hoạch xây dựng vùng tầm nhìn đến 50 năm như dự thảo Luật là phù hợp.

Quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết là cụ thể hoá quy hoạch chung, vì vậy, về nguyên tắc, thời hạn các quy hoạch này phải phù hợp với thời hạn quy hoạch chung.

Tuy nhiên, việc tổ chức lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết còn phụ thuộc vào kế hoạch thực hiện quy hoạch chung, theo yêu cầu quản lý, phát triển; kế hoạch đầu tư và nhu cầu đầu tư.

Bên cạnh đó, để bảo đảm kiểm soát việc thực hiện theo quy hoạch được duyệt và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, dự thảo Luật đã có quy định về việc rà soát quy hoạch theo định kỳ.

Thời hạn rà soát định kỳ đối với quy hoạch xây dựng vùng là 10 năm, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng là 5 năm, quy hoạch chi tiết xây dựng là 3 năm, kể từ ngày quy hoạch xây dựng được phê duyệt.

Trước những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, ông Trịnh Đình Dũng - Bộ trưởng Bộ Xây Dựng cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện Luật Xây dựng để trình Quốc hội thông qua trong thời gian sớm nhất.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn