• Zalo

Đại biểu Quốc hội: Làm rõ trách nhiệm để sai sót khi làm luật

Thời sựThứ Ba, 26/07/2016 22:40:00 +07:00Google News

Đại biểu Quốc hội thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong việc xây dựng luật, pháp lệnh hiện nay ở Quốc hội.

Góp ý về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đánh giá nội dung như tờ trình của Thường vụ Quốc hội thì “cái này là bản cũ soạn lại”.

Bắt đầu từ năm nay, Quốc hội không làm xây dựng luật pháp lệnh của toàn khóa nữa mà chúng ta làm hàng năm. Đó là điểm mới của luật ban hành và để tránh việc điều chỉnh nhiều.

Ngo van minh-1

Ông Ngô Văn Minh - Tỉnh Quảng Nam phát biểu ý kiến về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 

Đại biểu Minh cho rằng khi đưa bộ luật vào rất thuyết phục và khi rút ra cũng hết sức xúc động nên hạn chế chừng nào tốt chừng đấy.

“Có đồng chí đã nói thảm họa lập pháp là Bộ luật hình sự vừa rồi. Vừa rồi có một văn bản báo cáo trước Quốc hội là hiện nay chưa đủ căn cứ để quy trách nhiệm về ai”, đại biểu Ngô Văn Minh nói.

Vị đại biểu Quảng Nam cho rằng đây là vấn đề xem lại quy trình. Tại Quốc hội khóa XIII, nhiều đạo luật còn sai sót, không chỉ Bộ luật hình sự như Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội.

“Những sai sót đó tôi đề nghị phải nhìn nhận một cách nghiêm túc và phải đưa vào chương trình, phải xác định rõ trách nhiệm trong thời gian tới”, đại biểu Ngô Văn Minh đề xuất.

Bên cạnh đó, đại biểu Minh cũng đề nghị Chính phủ đến kỳ họp thứ 2 phải báo cáo Quốc hội hiện nay Chính phủ còn nợ bao nhiêu văn bản quy định chi tiết.

“Tôi đề nghị phải làm rõ trách nhiệm đó, phải chỉ rõ bộ nào, ngành nào còn nợ văn bản quy định chi tiết, có như thế chúng ta mới tính được và nâng cao chất lượng”, đại biểu Minh chất vấn.

Video: Phát ngôn ấn tượng của đại biểu Quốc hội khóa XIII

Thứ hai là con người, về tổ chức bộ máy. Đại biểu Quốc hội và thường hay nói bây giờ con người làm luật và đội ngũ phục vụ kiểu như một đại đội đi đánh cả sư đoàn nên không thể làm nổi.

“Riêng việc chuyển văn bản qua Ủy ban Pháp luật trước 7 ngày để hoàn thiện và rà soát kỹ thuật trước khi Quốc hội thông qua nhưng thực tế là không làm được”, vị đại biểu tỉnh Quảng Nam nêu thực tế.

Nhiều luật chuyển sang Ủy ban Pháp luật chỉ còn 1-2 ngày, yêu cầu phải trả lại ngay để Quốc hội bấm nút thông qua, do đó thời gian chuẩn bị tham gia cũng rất hạn chế.

Ông Minh đặt câu hỏi việc lùi Bộ luật hình sự mà không họp Quốc hội thì theo văn bản nào.

“Luật tổ chức Quốc hội có quy định lấy ý kiến đại biểu Quốc hội để thông qua nghị quyết không? Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền thành lập Ban kiểm phiếu không?

Hay chúng ta làm Luật trưng cầu ý dân, chủ thể đề nghị trưng cầu ý dân là không có Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở đấy, chúng tôi đề nghị thì bảo Luật tổ chức Quốc hội không quy định thì chúng ta phải sửa”, đại biểu Ngô Văn Minh đề nghị.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn