HĐND TP Hà Nội vừa công bố dự thảo Nghị quyết về việc quy định mức thu học phí với các trường mầm non, phổ thông công lập tại Hà Nội từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026 để xem xét, thông qua tại kỳ họp vào đầu tháng 7 tới.
Theo dự thảo này, năm học 2022-2023, dự kiến mức thu học phí trung học cơ sở từ 50.000-300.000 đồng/tháng, gấp đôi mức 19.000 - 155.000 đồng đang áp dụng. Hầu hết các bậc học còn lại cũng có mức tăng tương tự.
Tại TP.HCM, phương án học phí đề xuất cho năm học 2022-2023 ở bậc THCS tăng từ 60.000 lên 300.000 đồng/tháng, tăng gấp 5 lần so với trước đây, các cấp học khác tăng 70.000 - 180.000 đồng/tháng, tùy khu vực.
Tại nhiều địa phương, dự kiến mức học phí trong năm học mới 2022-2023 cũng sẽ tăng mạnh.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, đoàn Tây Ninh cho rằng, việc xem xét giảm học phí cần phải làm ngay khi đời sống người dân đang bị kiệt quệ sau gần 3 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
“Tôi cho rằng cần xem xét giảm học phí, giảm các khoản thu khác bao gồm cả giảm giá sách giáo khoa để đảm bảo đời sống, việc học tập của học sinh trên cả nước được trở lại bình thường”, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy nêu quan điểm.
Ngày 1/6, tại phiên giải trình về vấn đề học phí trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thông tin, năm học 2021-2022, trước tác động của dịch bệnh, Bộ đã có nhiều văn bản gửi các địa phương xem xét giữ ổn định, giảm học phí các cấp.
Theo đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, chủ trương giảm học phí là cần thiết, do đó Bộ GD-ĐT cần có chỉ đạo, định hướng đồng bộ trên cả nước, tránh tình trạng có nơi được giảm, nơi lại tăng.
Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, đoàn Bến Tre, trong Nghị định 81, mức học phí ở giai đoạn hiện nay so với giai đoạn trước đây tăng lên rất nhiều lần, có thể từ 3-5 lần.
Trong năm học 2021-2022, Bộ GD-ĐT đã có các cơ chế để mức học phí giữ ổn định như những năm trước, tuy nhiên, theo Nghị định 81 năm 2022-2023 trở đi sẽ tăng lên rất nhiều. Do đó, đại biểu kiến nghị trong điều kiện hiện nay khi đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 vừa qua, nên có chỉ đạo thống nhất để tạm hoãn việc tăng học phí, ít nhất là trong năm tới để tạo điều kiện cho học sinh được đến trường, đời sống của người dân giảm bớt khó khăn.
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, đoàn Hải Dương cũng đồng quan điểm cho rằng ở các bậc tiểu học, trung học cơ sở hay phổ thông trung học cần có cơ chế, giải pháp giảm học phí ở mức thấp nhất, hỗ trợ tốt nhất để học sinh được đến trường, phát triển toàn diện. Nếu tăng có thể xem xét ở các cấp học cao hơn như đại học và sau đại học, lúc này các em đã có thể tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình, đi làm thêm để trang trải học phí.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa lại quan tâm đến vấn đề sách giáo khoa hiện nay. Đại biểu cho rằng, ngoài nguyên nhân về “giấy mực”, thì sách giáo khoa mới tăng giá mạnh từ 2-4 lần do số đầu sách trong từng bộ tăng hơn nhiều so với bộ sách cũ. Đối với các gia đình có nguồn thu nhập thấp, hoặc có nhiều con đi học thì chi phí mua sách giáo khoa cũng là một gánh nặng. Điều này đã được rất nhiều phụ huynh phản ánh.
Từ thực tế này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đoàn Đồng Tháp kiến nghị cần đẩy mạnh việc tuyên truyền cũng như có các giải pháp để chống lãng phí trong mua sắm SGK.
Bộ GD-ĐT cũng cần có quy định cụ thể đâu là sách giáo khoa bắt buộc phải mua và đâu là sách tham khảo để phụ huynh có quyền lựa chọn. Hiện nay, việc đăng ký mua sách được thực hiện theo từng lớp, nên đôi khi phụ huynh cũng chịu những áp lực nhất định về việc mua sách. Ngoài ra, đại biểu cũng kiến nghị đối với các trường ở khu vực miền núi, cần có ngân sách để đầu tư sách giáo khoa đưa vào các thư viện, đảm bảo học sinh nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số có thể mượn sách học, thay vì mua sách./.
Bình luận