• Zalo

Đại biểu Quốc hội: ‘Không tăng lương cho giáo viên, đổi mới giáo dục khó thành công’

Giáo dụcThứ Hai, 19/03/2018 11:04:00 +07:00Google News

Nếu thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống, giáo viên sẽ rất khó bám trụ với nghề dạy học, ngành giáo dục sẽ khó thu hút được nhân lực có chất lượng cao để tạo đà cho đổi mới.

Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/3 không có đề xuất tăng lương cho giáo viên và miễn học phí cấp THCS mà trước đó đã đưa ra.

Hai đề xuất này trước đó đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Tuy nhiên, trong văn bản góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ đã có ý kiến về những vấn đề này nên việc đề xuất tăng lương cho giáo viên và miễn học phí cấp THCS chưa thể áp dụng được.

‘Lương 1 triệu/tháng thì hỏi sống làm sao nổi?’

Trả lời VTC News về vấn đề này, ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội Khóa 14 thẳng thắn chia sẻ, ông từng là giáo viên nên rất hiểu “nỗi khổ” của nghề dạy học và nếu ngành giáo dục không giải quyết tốt bài toán thu nhập cho giáo viên thì rất khó giữ được chân giáo viên ở lại gắn bó với ngành.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhìn nhận: “Tôi cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải nghiên cứu rất kỹ về vấn đề này trước khi đưa ra quyết định. Nhưng về mặt chủ trương thì tôi cho rằng đề xuất tăng lương cho giáo viên là hoàn toàn hợp lý. Quan điểm cá nhân tôi cho rằng hệ thống lương của giáo viên nói chung ở ta hiện nay tồn tại rất nhiều sự bất hợp lý”.

luubinhnhuong1

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng:  "Cô giáo về hưu mà lương chỉ có hơn 1 triệu đồng mỗi tháng thì sống sao nổi". Ảnh: QH.

Ông Nhưỡng phân tích: “Có hai vấn đề mà chúng ta phải làm rõ. Thứ nhất, giáo viên phấn đấu để đạt được mức lương tạm cho là đảm bảo được cuộc sống gia đình phải mất rất nhiều thời gian, khoảng 20 năm.

Mà thời gian lâu như thế thì ai có can đảm mà bám ngành, thành ra họ không yên tâm công tác. Đặc biệt là các giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, họ phải rất vất vả để đạt được mức lương khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng. Điều này là chưa hợp lý.

Thứ hai, cần nghiên cứu lại chế độ phụ cấp cho giáo viên cho thống nhất và phù hợp bởi hiện nay, có nơi trả phụ cấp cho giáo viên cao, nhưng có nơi trả thấp,  không đồng đều. Cần phải kiểm tra, khảo sát, đánh giá lại tổng thể về vấn đề này để xác minh thực tế”.

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, vấn đề tăng lương cho giáo viên được đưa ra thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phát sinh những luồng ý kiến trái chiều. Còn bản thân ông ủng hộ việc tăng lương.

“Nếu có ý kiến phản đối thì đó là ý kiến của Thường vụ Quốc hội thôi, còn cá nhân tôi thì vẫn ủng hộ việc tăng lương cho giáo viên. Tôi đã từng làm giáo viên nên tôi rất hiểu điều này. Giáo viên ở bậc đại học đời sống cũng còn rất khó khăn chứ đừng nói là giáo viên ở các bậc học dưới. Giáo viên từ mầm non đến phổ thông cũng thế”, ông Nhưỡng khẳng định.

Ông Nhưỡng lấy dẫn chứng: “Tôi lấy ví dụ như trường hợp lương hưu của một cô giáo ở Hà Tĩnh mà báo chí nêu ra vừa qua. Cô giáo này về hưu mà lương cũng chỉ có hơn 1 triệu đồng mỗi tháng thì sống sao nổi, mà thời gian cô này làm việc, phấn đấu, cống hiến cho ngành giáo dục cũng đâu có ít. Tôi cho rằng điều này là rất phi lí. Thực tế cho thấy đạt được tuổi về hưu mà lương hưu có hơn 1 triệu thì không ổn. Chính sách đãi ngộ như thế là không tương xứng”.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, nói đến lương giáo viên không thể chỉ nhắc đến lương mà phải nói đến thu nhập. Mức thu nhập khởi điểm của những giáo viên mới ra trường rất thấp và điều này chính là cản trở đối với sự phát triển nhân lực ngành giáo dục.

“Ngành giáo dục sẽ khó thu hút được người giỏi vào nghề sư phạm và lâu dài. Nếu không tăng lương cho giáo viên, đổi mới giáo dục sẽ khó thành công”, ông Nhưỡng khẳng định.

Nên để địa phương tự cân đối

Liên quan đến đề xuất tăng lương cho giáo viên, trao đổi với VTC News, TS Tống Thị Minh, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho rằng việc tăng lương cho giáo viên hiện nay là rất khó bởi ngân sách hạn chế cũng như còn nhiều quy định ràng buộc khác.

mamnon

 Cô giáo mầm non Trương Thị Lan khóc nghẹn khi nhận lương hưu sau 37 năm công tác được 1,3 triệu đồng/tháng. Ảnh: BHXH.

Theo TS Tống Thị Minh, vấn đề tăng lương cho giáo viên còn liên quan đến cả vấn đề tăng lương tối thiểu.

TS Minh phân tích: “Tôi cho rằng việc tăng lương cho giáo viên hiện nay là rất khó. Khó vì nó còn ràng buộc bằng nhiều quy định của Chính phủ. Ngoài ra, vấn đề này còn liên quan đến cả lương tối thiểu.

Công ước ILO cũng có kiến nghị về lương tối thiểu. Hầu hết các nước hiện nay, đặc biệt là các nước đã tham gia công ước quốc tế, cũng đang làm tiền lương tối thiểu.

Lương tối thiểu là bảo vệ lao động yếu thế trong nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường. Ở Việt Nam mới có lương tối thiểu tháng, nhưng ở các nước đã có lương tối thiểu giờ.

Ở Việt Nam mới có lương tối thiểu vùng, còn gần ta như Trung Quốc thì họ quy định lương tối thiểu theo mức chung, còn lại thì giao về cho địa phương các tỉnh. Indonesia lương tối thiểu mỗi đảo là khác nhau, cơ chế cũng khác nhau.

Tôi cho rằng đối với vấn đề lương giáo viên, nhà nước quy định một mức chung, còn lại để cho các địa phương và các trường tự cân đối ngân sách để chi trả thì sẽ hợp lý hơn”.

L.Thủy
Bình luận
vtcnews.vn