Đại biểu Quốc hội: Không khí còn ô nhiễm thì đừng nói đến chất lượng cuộc sống

Thời sựThứ Năm, 31/10/2019 17:55:00 +07:00

Nhiều đại biểu Quốc hội thẳng thắn phản ánh thực trạng ô nhiễm môi trường và cho rằng đừng nói đến chất lượng cuộc sống nếu không giải quyết được vấn đề này.

Trong phiên thảo luận của Quốc hội chiều nay 31/10, nhiều đại biểu chỉ ra những bất cập trong quản lý nguồn nước và giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường.

Viện dẫn lại những vụ ô nhiễm nước sạch, không khí xảy ra vừa qua, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) băn khoăn: “Thở, ăn, uống, đều nguy hiểm thì chất lượng cuộc sống có thực sự tăng cao?”. 

nguyen-thi-phuc

 ĐBQH Nguyễn Thị Phúc (Đoàn Hưng Yên). Ảnh: Quochoi.vn

Khẳng định thực trạng ô nhiễm vẫn tiếp diễn, bà Phúc đặt câu hỏi về việc Chính phủ đã thực sự vào cuộc xử lý quyết liệt vấn đề ô nhiễm hay chưa? Vị đại biểu đoàn Hưng Yên nêu ví vụ về sự ô nhiễm tại hệ thống sông Bắc Hưng Hải đang nghiêm trọng cùng với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa.

Nữ đại biểu cũng kiến nghị Thủ tướng khuyến khích ngành công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải; tăng chế tài xử lý ô nhiễm; có cơ chế liên kết vùng với vấn đề này.

Cũng bàn về vấn đề ô nhiễm môi trường, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) nêu hàng loạt sự cố liên quan tới xả thải ra biển, lưu vực sông hàng chục năm qua; gần đây là sự cố dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt cho người dân Thủ đô.

"Thực tế này cho thấy sự lỏng lẻo trong quản lý nguồn nước ngọt cung cấp cho người dân, sẽ nguy hại thế nào nếu chất gây ô nhiễm không phải dầu mà là chất độc hại khác?", ông Giang chất vấn. 

Vị đại biểu Cà Mau nhấn mạnh, đã tới lúc cơ quan chức năng cần nghiêm túc thực hiện quy định của Luật Tài nguyên nước 2012, Luật Bảo vệ môi trường 2014 và Luật Thuỷ lợi 2017; triển khai quy hoạch vùng liên quan tới lưu vực sông và có giải pháp kịp thời bảo vệ nguồn nước cung cấp cho người dân. 

nuoc-song-da

 Theo các ĐBQH, tình trạng ô nhiễm rất cấp bách trong khi cảnh báo từ chính quyền chưa kịp thời. 

Chính phủ cũng cần chỉ đạo các bộ, ngành chủ động ngăn chặn việc gây ô nhiễm nguồn nước thô cung cấp cho các nhà máy nước sạch; rà soát quy hoạch và xây dựng các hồ chứa nước ngọt tại các địa phương. 

Trong khi đó đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) phản ánh, theo kết quả khảo sát năm 2018, có tới 74% người dân quan tâm và bức xúc vì ô nhiễm môi trường. Việc đầu tư xử lý nước thải tại các địa phương chưa kịp thời; mới có 12,5% lượng nước thải tại đô thị loại 4 được xử lý; 46,5% địa phương đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung; tỷ lệ xả thải trực tiếp cao. 

Quy định dành 1% chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường chưa được tuân thủ đầy đủ ở nhiều nơi. 

"Ô nhiễm nguồn nước, không khí xảy ra đáng lo ngại, trong khi sự cảnh báo của chính quyền chưa kịp thời, gây lo lắng cho người dân", ông Thực nói và đề nghị các bộ ngành tăng cường kiểm tra, đánh giá tác động môi trường, kiểm soát việc xả thải; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện quy chuẩn về môi trường; quy định cơ chế người xả thải phải trả phí, người gây ô nhiễm môi trường phải bị xử lý hình sự trước pháp luật.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn