• Zalo

Đại biểu Quốc hội: Hội Thánh Đức Chúa Trời là thứ 'quái thai tâm linh' giết chết tinh thần xã hội

Thời sựThứ Năm, 03/05/2018 07:22:00 +07:00Google News

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, “Hội Thánh Đức Chúa Trời” không phải là tôn giáo mà thứ “quái thai tâm linh”, giết chết tinh thần xã hội bằng những giáo lý trái với thuần phong mỹ tục.

Video: Bố quặn lòng nhìn con gái đổi tâm tính, đi theo Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ

Trả lời PV VTC News, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định không tán thành những hoạt động của tổ chức “Hội Thánh Đức Chúa Trời” gây nhiễu loạn xã hội trong suốt thời gian qua.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhận xét: “Tổ chức Hội Thánh Đức Chúa Trời đã hoạt động từ rất lâu mà các cơ quan chức năng đã quá sơ hở, không có biện pháp phòng chống ngăn chặn ngay từ khi phát sinh, khiến nó trở thành một  thứ “bệnh dịch” lây lan, hết sức nguy hiểm.

hoithanh2

Khắp nơi xáo trộn vì "Hội Thánh Đức Chúa Trời". 

Ông Nhưỡng cũng khẳng định, đây không phải là tôn giáo mà chỉ là một tà đạo, là một thứ quái thai về tâm linh, lợi dụng lòng tin của nhiều người nhẹ dạ, cả tin.

"Sở dĩ tôi nói nó không phải là tôn giáo vì tôn giáo dạy con người ta sống tốt đời đẹp đạo, sống có hiếu với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, phải nhớ ơn những người đã hy sinh máu xương cho độc lập tự do, cho Tổ quốc theo đúng đạo lí "ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn".

luubinhnhuong-2205053 3

 

Không có tôn giáo nào dạy con người ta đập phá bát hương thờ cúng ông bà tổ tiên, từ bỏ ông bà cha mẹ, từ bỏ chồng con, gia đình, cơ quan, trường học...

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng

Không có tôn giáo nào dạy con người ta đập phá bát hương thờ cúng ông bà tổ tiên, từ bỏ ông bà cha mẹ, từ bỏ chồng con, gia đình, cơ quan, trường học...

Tôn giáo thực sự không xui người ta đi nghe giảng đạo ngày qua ngày để rồi mong được lên thiên đàng. Cuộc sống hiện tại còn không tu nhân tích đức thì nói gì đến cuộc sống ở trên thiên đàng. Đó là chuyện hết sức phi lí”.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng phân tích: “Tác hại của Hội Thánh Đức Chúa Trời chúng ta đã thấy rất rõ. Những ai đi theo đa số đều tan cửa nát nhà, hạnh phúc gia đình đổ vỡ, sự nghiệp tiêu tan. Nhiều người là sinh viên, trí thức, cán bộ nhà nước... Không hiểu sao nhiều người vẫn nghe và tin theo thứ tà giáo ấy được.

Phải khẳng định đó là sự u mê, nó như một thứ bùa mê thuốc lú gây tác hại rất lớn đến tâm lí, thần kinh của mỗi cá nhân. Những giáo lý, giáo điều của tà đạo này trái với thuần phong mỹ tục, làm đảo lộn các giá trị của dân tộc.

Về hậu quả, có người bảo là chưa có bằng chứng này kia, theo tôi, nói như thế là tắc trách, là chưa hiểu rõ vấn đề.

Có thể, chúng ta chưa nhìn thấy hậu quả nghiêm trọng nhưng nếu buông lỏng quản lý, cứ tiếp tục để thế này thì chính thứ độc hại ấy sẽ đánh trực diện vào những giá trị truyền thống của dân tộc, giết chết tinh thần xã hội”.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, trong vấn đề hoạt động của tổ chức Hội Thánh Đức Chúa Trời, cơ quan chức năng và các lực lượng chuyên trách phải có trách nhiệm vì đã không có biện pháp quản lý, can thiệp sớm khiến nó trở thành “đại dịch”.

“Vấn đề cần phải nói đến ở đây nữa đó chính là quản lý nhà nước. Phải thẳng thắn nói rằng, trong công tác an ninh chính trị và đảm bảo trật tự an toàn xã hội chúng ta đã quá sơ hở trong chuyện này.

Lẽ ra ngay từ lúc “Hội Thánh Đức Chúa Trời” này mới manh nha là phải có biện pháp can thiệp. Trước hết, phải tuyên truyền, nâng cao tinh thần cảnh giác cho người dân, tiếp đó phải có biện pháp để ngăn chặn.

Chúng ta đã không có biện pháp gì cho đến khi báo chí và dư luận lên án mạnh mẽ, các cơ quan chức năng mới từ từ lên tiếng.

Cần phải đánh giá lại trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, các lực lượng chuyên trách về vấn đề này" - ông Lưu Bình Nhưỡng tỏ ra gay gắt.

Vị uỷ viên Thường trực Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng cần phải làm rõ hoạt động của tổ chức này.

“Tôi khẳng định lại là tôi không cho đây là một tôn giáo. Nếu cho là tôn giáo thì phải đặt câu hỏi là tôn giáo này đã đăng ký và được cấp phép hoạt động chưa, có làm đúng theo Luật Tín ngưỡng tôn giáo không...

Thậm chí nếu có cho đó là một tôn giáo thì cũng phải xét xem tôn giáo đó là như thế nào, tôn chỉ, mục đích hoạt động ra sao chứ không thể đi ngược lại với xu thế của thời đại, đi ngược lại đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước”, ông Nhưỡng khẳng định.

Video: Phát hiện điểm hoạt động trái phép 'Hội Thánh Đức Chúa Trời' tại Nghệ An

Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ: Cần thời gian để xem xét

Trước đó, ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết hiện Ban Tôn giáo Chính phủ đã nắm được thông tin mà báo chí và dư luận phản ánh về hoạt động của tổ chức “Hội Thánh Đức Chúa Trời”.

“Việc báo chí đưa tin về vấn đề này, tôi hoan nghênh tinh thần nhập cuộc, phản ánh kịp thời của báo chí. Việc làm này đã giúp đưa tin tới rộng rãi quần chúng nhân dân để chủ động cảnh giác, phòng ngừa, song tôi cũng lưu ý việc đưa tin cần chính xác, tránh gây hiểu nhầm về sự tiêu cực của một tôn giáo cụ thể nào đó”, ông Thắng cho biết.

Về nguồn gốc của tổ chức mang tên “Hội thánh Đức Chúa Trời” mà báo chí phản ánh, Ban Tôn giáo Chính phủ đã nắm được, song vì những biểu hiện tiêu cực mà báo chí phản ánh cần thêm thời gian để kiểm chứng về có hay không có vai trò của tổ chức chỉ đạo, điều hành hay chỉ là hành vi của một số cá nhân trục lợi, làm biến tướng, nên lúc này chưa đề cập.

Theo ông Thắng, nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng của mọi người nhưng cũng nghiêm cấm các hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, xâm phạm trật tự an toàn, đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Hiện nay, có một số nhóm mang tên “Hội thánh Đức Chúa Trời”, bao gồm cả các nhóm Tin Lành đã được chính quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Vì vậy, các biểu hiện cực đoan mà báo chí phản ánh xảy ra ở Thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên... liên quan đến tổ chức mang tên “Hội thánh Đức Chúa Trời” cần được kiểm chứng và phân biệt với các nhóm Tin Lành khác có tên gọi tương tự, tránh đánh đồng với các tổ chức Tin Lành nói chung.

Tuy nhiên, cách trả lời “nước đôi” nói trên của người đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đã gây nên những ý kiến phản ứng khác nhau từ dư luận.

L.Thủy
Bình luận
vtcnews.vn