Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên khẳng định, tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên không xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Để có được điều này, lãnh đạo Bệnh viện đã có những bước chuẩn bị từ sớm, từ xa; cùng với việc nắm vững chuyên môn về đấu thầu, mua sắm thuốc; đồng thời thành lập "Phòng Quản lý dự án đấu thầu".
"Một số thuốc biệt dược, đặc biệt thuốc liên quan tới gây nghiện, gây mê, vừa rồi một số đơn vị chưa đấu thầu được do họ chưa nắm được nguyên tắc trong đấu thầu.
Trong trường hợp những thuốc liên quan tới cấp cứu, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện theo hình thức chỉ định thầu (dưới 50 triệu đồng). Đồng thời, xây dựng các buổi đấu thầu cho 8 loại thầu theo quy định hiện hành, áp dụng các biện pháp phù hợp, đúng luật".
Nắm bắt được quy định này, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã đảm bảo được các loại thuốc để phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân", Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Hoàng nêu ví dụ.
Trước thực trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế xảy ra nhiều sau đại dịch COVID-19, song song với công tác đảm bảo đủ cho cơ sở, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cũng tăng cường giúp đỡ các đơn vị trong lĩnh vực đấu thầu.
Theo PGS.TS Nguyễn Công Hoàng, thực tế cho thấy, có những bác sĩ kỳ cựu nhiều năm nắm rõ được lĩnh vực đấu thầu, nhưng cũng có người mới được phân công chưa tự tin làm. Vì vậy, ở một bệnh viện phải có những người nắm vững liên quan tới lĩnh vực đấu thầu để phục vụ bệnh viện, bệnh nhân.
Để chuẩn bị thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cho công tác khám, chữa bệnh từ sớm, từ xa, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Hoàng cho rằng, đấu thầu phải có kế hoạch. Ví dụ tháng 5 - 6 đã phải chuẩn bị danh mục để cuối năm đấu thầu. Ông cũng đưa ra một số biện pháp thực tế giúp các bệnh viện giảm thiểu tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.
Theo đó, với việc phân cấp phân quyền, lãnh đạo các đơn vị phải quan tâm đến công tác đấu thầu, cung ứng thuốc, vật tư tiêu hao… bằng các biện pháp: Chủ động lên kế hoạch đầu thầu từ sớm cho từng năm để có thời gian chuẩn bị, tránh các yếu tố khách quan; Chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa cho bộ phận đấu thầu. Nên thành lập Tổ hoặc Phòng Quản lý đấu thầu; Chủ động xây dựng các buổi đấu thầu cho 8 loại thầu theo quy định hiện hành, áp dụng các biện pháp phù hợp, đúng luật.
Ngoài ra, nâng cao công tác dược lâm sàng, sử dụng các thuốc thay thế cùng nhóm để thay thế cho các thuốc không trúng thầu.
Theo PGS.TS Nguyễn Công Hoàng, sau đại dịch COVID-19, cộng với những biến động của tình hình thế giới đã khiến trong nước nhiều khó khăn về mọi mặt, trong đó có vấn đề về thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Việc thiếu thiết bị y tế chuyên sâu, trang thiết bị y tế cơ bản xảy ra cục bộ tại một số đơn vị.
Đại biểu Hoàng nhận định, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới thực trạng này. Một số khó khăn riêng, cục bộ như một số cơ sở y tế kỹ năng năng nghiệp vụ, chuyên môn về công tác đấu thầu, quản lý dự án đấu thầu, quản lý vật tư… còn hạn chế.
Về nguyên nhân khách quan, đại biểu Nguyễn Công Hoàng cho rằng, do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; một số thuốc, công ty ngừng cung cấp; một số công ty thay đổi nhãn hàng, mẫu mã, tên hiệu.
Tuy nhiên, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Y tế rất quyết liệt để tháo gỡ, giải quyết bằng cách ban hành các nghị định, thông tư, nghị quyết, thủ tục giấy tờ… "Đây là những điểm rất tốt mà Bộ Y tế hết sức cố gắng", PGS.TS Nguyễn Công Hoàng nhấn mạnh.
GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cũng khẳng định, Bệnh viện này vẫn cơ bản đảm bảo được thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
Đại biểu Hiệp cho hay, thời gian vừa qua, Chính phủ, Bộ Y tế đã đưa ra rất nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng thuốc, hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế phục vụ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh phục vụ người dân.
Trên cơ sở những văn bản đó, Bệnh viện Trung ương Huế vận dụng các giải pháp nên đã cơ bản đáp ứng tốt được cung ứng hóa chất, vật tư, sinh phẩm trong quá trình điều trị.
"Ví dụ, trong đấu thầu, khi có kết quả thầu, chúng tôi đã chuẩn bị ngay kế hoạch đấu thầu kế hoạch đợt mua sắm sắp đến. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có các dự báo về tình hình bệnh nhân, trang thiết bị, kỹ thuật… Nên dù sau dịch CCOVID-19 số lượng bệnh nhân tăng đột biến, chúng tôi cũng vẫn cơ bản đảm bảo được nhằm phục vụ công tác khám, chữa bệnh", GS.TS Phạm Như Hiệp nêu dẫn chứng về việc vận dụng các phương pháp mua sắm, đấu thầu đạt hiệu quả.
Bệnh viện Trung ương Huế bình quân mỗi ngày có khoảng 4.500 - 5.000 bệnh nhân điều trị nội trú/ngày, thực hiện từ 150 - 200 phẫu thuật/ngày, trên 3.000 thủ thuật/ngày… nên nhu cầu về thuốc men, sinh phẩm rất lớn. Với số lượng bệnh nhân như vậy, bệnh viện vẫn cơ bản đáp ứng được gần như đầy đủ yêu cầu trong công tác khám, chữa bệnh.
Đại biểu Quốc hội Phạm Như Hiệp cho biết thêm, trong quá trình đấu thầu cũng có thể thiếu một số mặt hàng. Tuy nhiên, khi nhận thấy điều này, Bệnh viện đã có những giải pháp như lọc mặt hàng đó ra để đấu thầu lại; mua sắm trực tiếp; chào hàng cạnh tranh… để kịp thời, nhanh chóng có được những thuốc, hóa chất, vật tư.
"Thêm nữa, trong trường hợp thiếu do đứt gãy nguồn hàng hay do nhà cung cấp không có, chúng tôi áp dụng sử dụng các loại thuốc, vật tư có tác dụng tương tự để thay thế cho thuốc, vật tư đang thiếu", ông Hiệp thông tin.
Chia sẻ thêm về định hướng, phương án đảm bảo thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế cho thời gian tới, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế thông tin, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Đấu thầu và có rất nhiều quy định của Chính phủ, Bộ Y tế.
Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện tổ chức các nhóm như: Tổ chuyên gia; tổ thẩm định nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật và chuẩn bị các hồ sơ kỹ lưỡng, đúng quy định pháp luật để phục vụ cho việc mua sắm, đấu thầu trong năm 2024.
Bình luận