Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) chất vấn trực tiếp Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ xung quanh Dự thảo sinh viên sư phạm bán dâm đến lần thứ 4 mới bị đuổi học.
Tuy nhiên, trong phần trả lời, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ không nhắc đến trách nhiệm của mình về vấn đề đó mà khẳng định đó là lỗi của "các cá nhân phụ trách việc này năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém, dẫn đến phản ứng của xã hội".
Sáng 31/10, bên hành lang Quốc hội, vị đại biểu Phú Yên tỏ ra thất vọng về phần trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
"Nếu Bộ trưởng không nhìn trực diện vào những cái hạn chế thì sẽ không có giải pháp hữu hiệu. Dù biết rằng, giáo dục là lĩnh vực vô cùng khó, còn sai sót, không thể quy hết trách nhiệm cho Bộ trưởng trong nhiệm kỳ này vì có những hạn chế kéo dài từ nhiều năm, nhiều khoá.
Vấn đề là thái độ, quan điểm của người đứng đầu trong bộ máy quản lý giáo dục phải nhận thấy rõ trách nhiệm của mình.
Trong giáo dục, người ta vẫn chấp nhận một con người có thể vấp ngã, anh đứng dậy, anh trưởng thành. Nhưng trong quản lý giáo dục, nếu anh có quá nhiều vấp ngã, mỗi lần vấp ngã như vậy anh lại xin lỗi, sửa sai, thì đối tượng bị đau, tổn thương, không phải là cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục mà chính là thế hệ học trò đang thụ hưởng nền giáo dục nước nhà.
Mà đó là thế hệ tương lai của đất nước. Đây là sự nguy hại mà chúng ta phải dự báo được. Quan điểm của người đứng đầu phải thay đổi, thì mới mong bộ máy giáo dục Việt Nam thay đổi", đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nói.
Nhiều ý kiến cũng băn khoăn liệu Bộ trưởng cứ đổ tội cho cấp dưới thì quy định ban đầu về chất vấn có đạt hiệu quả hay không. Bình luận vấn đề này, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền khẳng định: "Vấn đề là ý thức và nhận thức của người nằm trong diện đó. Chúng ta rất cần những nhận thức chuẩn mực. Mà giáo dục rất cần sự chuẩn mực. Trong quá trình vừa qua, dư luận xã hội, báo chí, cảm xúc của học sinh, phụ huynh đã phản ánh được vị trí hiện tại của Bộ trưởng GD-ĐT".
Nữ đại biểu Phú Yên đánh giá: "Giáo dục hiện nay, chính người dân phải tìm ra niềm tin cho mình là chính. Với những vụ việc tiêu cực vừa qua, giáo dục giống như thực phẩm bẩn không kiểm soát được. Người dân phải "tiêu dùng" bằng niềm tin".
"Rất mong Bộ trưởng nhìn thẳng vào vấn đề đó để thấy nỗi lo lắng của bao thế hệ học trò là có thật, là sự thật. Bây giờ, niềm tin của học sinh, phụ huynh không phải là cái gì lớn lao, là đề án này, đề án nọ mà là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, hưởng nền giáo dục nhân văn. Trách nhiệm của Bộ trưởng rất lớn", đại biểu Hiền bày tỏ.
Trước đó, tranh luận với Bộ trưởng Nhạ tại Quốc hội sáng 31/10, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền bày tỏ quan điểm: "Tôi có hỏi một câu về vai trò của người đứng đầu trong việc nhận trách nhiệm khi đưa ra dự thảo thông tư kia nhưng tôi không thấy Bộ trưởng nhận trách nhiệm mà lại chuyển cho người khác.
Chỉ khi nào Bộ trưởng nhận ra năng lực quản trị của bộ máy giúp việc, của bộ máy quản lý Nhà nước về giáo dục có vấn đề, hạn chế thì mới có giải pháp lấy lại sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục.
Tôi rất mong Bộ trưởng nhìn thẳng vào sự thật này, không tránh né, không tác động để có giải pháp tích cực hơn cho giáo dục sắp tới".
Video: Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Bình luận