Những ngày qua, sự cố 4 bé sơ sinh tử vong tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đã khiến dư luận xôn xao.
Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho rằng, vấn đề nhiễm khuẩn trong bệnh viện không phải là vấn đề mới và trước đây cũng đã có nhiều trường hợp tử vong vì nguyên nhân này.
Tuy nhiên, theo bà Lan, với việc cùng lúc 4 trẻ sơ sinh tử vong là báo động đỏ đối với ngành y tế.
"Thực tế, trong môi trường bệnh viện của chúng ta hiện nay đang có dày đặc các loại vi khuẩn và nhiều loại khuẩn giờ đã kháng thuốc, không thể chữa nổi.
Thậm chí, nhiều bệnh nhân bị nhiễm khuẩn bệnh viện còn nguy hiểm hơn cả bệnh lý mà bệnh nhân mắc phải, nhất là đối với người già, trẻ sinh non, sơ sinh, sức đề kháng yếu... thì càng dễ bị các vi khuẩn dày đặc trong bệnh viện tấn công", bà Lan cho hay.
Nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM chia sẻ thêm, chính bố bà trước đây cũng đã mất vì nguyên nhân nhiễm khuẩn khi vào viện điều trị.
"Bố tôi trước đây bị mổ, sức khỏe yếu vào bệnh viện điều trị xuất huyết tiêu hóa nhưng sau khi điều trị bệnh chính xong lại sốt, kiểm tra thấy phát hiện biến chứng qua viêm phổi, đồng thời, bác sĩ xác định, nguyên nhân do khuẩn bệnh viện gây ra.
Vì viêm phổi phải dùng kháng sinh và nâng dần liều lên, đến khi chữa xong thì ông lại bị suy đa phủ tạng, suy thận và mất do chịu không nổi", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.
Từ câu chuyện của gia đình và vụ 4 trẻ sơ sinh tử vong, bà Lan cũng chỉ rõ thực tế, dù ngành y tế, nhiều bệnh viện thừa nhận tình trạng nhiễm khuẩn trong viện rất nguy hiểm nhưng việc nhận thức để đưa vào thành vấn đề hành động vẫn chưa kịp thời.
Thêm vào đó, tình trạng quá tải bệnh viện, nhất ở các tuyến trung ương, tuyến cuối cũng là môi trường rất "lý tưởng" để các loại khuẩn dễ tấn công người bệnh.
"Ngay việc chuyển các em sinh non, yếu ở bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh lên Trung ương điều trị tôi cũng rất lo bởi thời tiết những ngày qua lạnh, việc di chuyển xa, trên xe như thế cũng rất dễ nhiễm phải các khuẩn. Rồi đưa vào các bệnh viện như Nhi Trung ương thì điều kiện chưa chắc đã tốt nên vẫn đặt các bé vào nguy cơ nhiễm khuẩn rất lớn.
Nhiều người cũng nói, khi vụ nhiều bệnh nhân tử vong do chạy thận ở Hòa Bình, Bộ Y tế cũng cuống lên kiểm tra lại quy trình nhưng rà soát lại đến đâu rồi thì chưa thấy thông báo", đại biểu Lan nói.
Do đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng Bộ Y tế cần có biện pháp giải quyết căn cơ, cụ thể chứ còn cứ giật gấu, vá vai hay lúc xảy ra vụ việc mới cuống cuồng lên thì không được.
Phải hành động chứ đừng nói mãi để rồi người bệnh vẫn cứ chết như thế. Chuyện khác có thể sửa chữa nhưng mạng người thì không thể sửa được...", bà Lan nhấn mạnh.
Video: Người nhà thẫn thờ trước việc thêm 4 trẻ em tử vong ở Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh
Cho tới 3h sáng 20/11, tình trạng suy hô hấp của cháu V. trở nặng, suy tuần hoàn, đã cấp cứu tích cực nhưng không kết quả. Cho tới 9 giờ 30 phút, ngày 20/11, cháu V. đã không qua khỏi. Kết luận của Hội đồng chuyên môn cho thấy cháu V. tử vong do sinh non và suy dinh dưỡng bào thai.
Theo như kết luận nguyên nhân của Hội đồng chuyên môn, cả 4 bệnh nhi đều có chung một tình trạng đó là đều sinh non tháng, nhẹ cân, suy hô hấp sau sinh, nhiễm khuẩn từ 3-5 ngày điều trị, không có đáp ứng với phác đồ điều trị.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã tới làm việc và tham dự buổi họp kín với Hội đồng chuyên môn tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh.
Báo điện tử VTC News sẽ tiếp tục thông tin.
Bình luận