• Zalo

Đại biểu Quốc hội: 'Có thể có lợi ích nhóm trong quy hoạch Hà Nội'

Thời sựThứ Bảy, 07/01/2017 07:29:00 +07:00Google News

Đại biểu Quốc hội thẳng thắn cho rằng xét ở một góc độ, cũng có lợi ích nhóm trong quy hoạch Hà Nội.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã trao đổi với PV VTC News xung quanh vấn đề quy hoạch của Thủ đô Hà Nội.

pham-tat-thang

 Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

- Tại Hội nghị tổng kết và triển khai công tác của Sở Quy hoạch kiến trúc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói: “Chúng ta đang phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội". Ông có đồng tình với nhận định này không?

Là một công dân của Thủ đô, tôi đồng tình với nhận định của người đứng đầu UBND TP Hà Nội.

Hà Nội rất tự hào vì là Thủ đô có trên 1.000 năm tuổi, Hà Nội cũng là đô thị lớn thứ 2 cả nước về mặt dân số. Hà Nội  là trung tâm kinh tế, chính trị văn hoá của cả nước.

Về kiến trúc, Hà Nội có 2 đặc trưng với 2 mảng rõ rệt. Mảng thứ 1 là khu đô thị cổ, cũ với 36 phố phường. Đây là đặc trưng mà không phải Thủ đô nào trên thế giới cũng có được.

Mảng thứ 2 là những khu mới phát triển về sau này như khu vực quận Cầu Giấy, Hà Đông…

Hiện nay, tôi cho rằng đáng nhẽ mảng đô thị cổ phải giữ được dưới góc độ bảo tồn. Đó là khu vực 36 phố phường của Thăng Long xưa và các khu phố mới được mở đầu thế kỷ 20 với những công trình kiến trúc của Pháp. Đây là khu vực lõi cần phải bảo tồn.

Khu vực mới phát triển thì phải tiêu biểu cho sự hiện đại, bề thế, phát triển năng động, xứng tầm của Thủ đô.

Tuy nhiên, trong quy hoạch Hà Nội hiện nay, cả hai đặc trưng đó đều không được thể hiện tốt.

Tôi ví dụ: Khu vực phố cổ, phố cũ cũng có nhiều kiến trúc mới xen vào, không bảo tồn được. Trong khi đó, khu phố mới không thực sự hiện đại, đường sá ở những khu vực này được mở một cách tủn mủn, không đạt tiêu chuẩn về diện tích, không xứng tầm. Quy hoạch này không tiêu biểu cho sự văn minh, cho đô thị hiện đại.

Tình trạng tắc đường, kẹt xe, ngập úng diễn ra tương đối phổ biến mà đặc biệt ở các khu phố mới, các trục giao thông dẫn vào trung tâm Hà Nội.

Như vậy, rõ ràng chúng ta đã không có một ý tưởng quy hoạch tốt cho Hà Nội và thực sự quy hoạch Hà Nội ở một góc độ nào đó đã bị “băm nát” theo đúng như lời phát biểu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

- Góc nhìn của ông thế nào khi ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, nếu như những năm 90, làm tốt quy hoạch hơn nữa, lấy rộng ra hai bên từ 200-300m mặt đường thì thành phố đã “giàu lắm rồi”?

Tôi tán thành cơ bản với ý kiến của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Rõ ràng, những năm 90 của thế kỷ XX, việc đền bù giải phóng mặt bằng dễ dàng hơn bây giờ rất nhiều ở cả hai phương diện; đó là giá nhà, giá đất không cao như bây giờ và mật độ dân số không đông đúc như bây giờ.

 
Nếu chúng ta có tầm nhìn tốt từ khi đó thì đã có một quy hoạch Hà Nội tốt và ít nhất bộ mặt đô thị, hệ thống đường sá cũng phải tốt hơn bây giờ.

Đại biểu Phạm Tất Thắng

Nếu chúng ta có tầm nhìn tốt từ khi đó thì đã có một quy hoạch Hà Nội tốt và ít nhất bộ mặt đô thị, hệ thống đường sá cũng phải tốt hơn bây giờ.

Trong những năm qua, tốc độ tăng dân số của Hà Nội rất nhanh nhưng tốc độ mở mang đường xá lại không tương thích. Do đó, dẫn tới hiện trạng mật độ quá đông và xảy ra tắc đường kẹt xe.

Tuy nhiên, chúng ta cũng chia sẻ với lãnh đạo Hà Nội thời điểm đó. Đó có thể phụ thuộc vào tình hình kinh tế xã hội, kinh nghiệm, điều kiện quản lý, định hướng cho không gian quy hoạch đô thị Hà Nội.

Cũng có thể không đủ điều kiện, nguồn lực để có những đề án tốt. Cũng có thể thời kỳ đó, lãnh đạo TP Hà Nội cũng không quyết liệt để có quy hoạch không gian tốt hơn cho Thủ đô.

- Liệu có cơ chế xin cho, lợi ích nhóm trong quy hoạch Hà Nội không?

Dư luận thường nhắc tới việc có những lợi ích nhóm trong các dự án lớn. Những người có liên quan có tư lợi, làm ảnh hưởng và thay đổi kết quả của công việc chung. Nếu xét theo góc độ đó thì tôi cho rằng cũng có thể.

Trong những năm qua, thị trường bất động sản biến đổi liên tục, tăng giá trị rất nhanh nên đem lại lợi ích cho những người tham gia vào các dự án đó.

Những khu đô thị mới mở ra, những người nào mà chỉ cần mua được đúng giá của chủ đầu tư đưa ra là cũng có lợi rồi. Chưa kể việc mua ưu tiên mà dư luận vẫn gọi đó là những “suất ngoại giao”.

Chuyện lợi ích nhóm mà dư luận đặt ra theo tôi cũng có thể có.

 
Báo chí cũng từng nêu ra hiện tượng gắn liền với những khái niệm rất thú vị như “đường cong mềm mại”

Đại biểu Phạm Tất Thắng

Báo chí cũng từng nêu ra hiện tượng gắn liền với những khái niệm rất thú vị như “đường cong mềm mại”. Rõ ràng có những thiết kế, có những quy hoạch như vậy là không bình thường. Trong quy hoạch đô thị, không ai lại đi nắn đường như thế cả. Rõ ràng quy hoạch đã bị tác động bởi một số yếu tố nào đó.

Liên quan đến các dự án bất động sản là những khoản tài chính lớn và những người tham gia có thể được hưởng lợi lớn nên tôi cho rằng có khả năng xảy ra hiện tượng xin cho.

Ví dụ đơn giản: Khu đô thị mới, khi công bố thiết kế ban đầu thường rất đồng bộ có khu vui chơi, trường học, bệnh viện, nhà văn hoá… Sau đó, quy hoạch được điều chỉnh, thay vào những thiết chế công cộng đó là chung cư, biệt thự, nhà liền kề. Thêm những công trình đó là thêm lợi ích cho doanh nghiệp và có thể là cả người phê duyệt dự án.

Đất khi nhà nước giao, thì phí quyền sử dụng đất thường không cao và thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Vì vậy, khi dự án được hình thành, giá trị đất ở đó tăng lên rất cao. Tất cả giá thành thì người tiêu dùng sẽ phải gánh, còn lợi ích thì doanh nghiệp được hưởng. 

Rõ ràng, có lợi ích cho doanh nghiệp, và không loại trừ quan hệ xin cho ở đây. Có sự không rõ ràng trong câu chuyện này.

Tôi cũng có tiếp nhận được những phản ánh của cử tri về những hiện tượng như vậy. Những ví dụ tôi vừa trao đổi cũng là từ phản ánh từ người dân.

Người dân có nhu cầu, đâu có dễ dàng mua được nhà liền kề, hay chỉ chung cư với giá ban đầu của chủ đầu tư mà nhiều người phải mua lại.

Người dân cũng phản ánh nhà ở xã hội nhưng người thực sự có nhu cầu cũng phải mua rất khó khăn, thậm chí vẫn phải mua lại và có chênh lệch so với giá gốc.

Có một cụm từ phổ biến đó là “suất ngoại giao” trong các dự án xây dựng. Người ta cứ nói với nhau là mỗi dự án có bao nhiêu “suất ngoại giao”.

Rõ ràng, có thể kết luận như Chủ tịch Chung là “những dự án đó có dấu hiệu xin cho, có lợi ích của những người tham gia vào dự án”.

ha-noi-un-tac

 Nhiều tuyến đường lớn của Thủ đô luôn trong tình trạng tắc nghẽn

- Trong cuộc họp với lãnh đạo các địa phương vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh nguyên nhân tắc đường ở Hà Nội diễn ra thường xuyên có trách nhiệm do chính quyền đã cấp phép cho xây quá nhiều chung cư cao tầng ở trung tâm nội đô?

Tôi hoàn toàn tán đồng với nhận định đó. Mỗi khu đô thị mới có dân số vài vạn người, có thể tương đương bằng một xã, phường có quy mô trung bình. Nhưng đường sá xung quanh các khu chung cư cao tầng đó lại không được mở rộng, làm thêm.

Doanh nghiệp chỉ làm khi có lợi ích cụ thể, họ nhìn thấy việc giải bài toán kinh tế có hiệu quả trong đó. Và việc mua đất “vàng, kim cương” ở trong nội đô để xây chung cư thì đều tăng áp lực dân số, chất tải thêm ở khu vực đó.

- Nhưng việc duyệt quy hoạch và cấp phép lại là do nhà quản lý, thưa ông?

Đúng vậy, việc duyệt quy hoạch lại thuộc nhà quản lý. Nhà quản lý cần phải đặt ra câu hỏi liệu với mật độ đường sá như vậy có nên đặt thêm một khu chung cư cao tầng ở đó không. Đó là trách nhiệm của nhà quản lý.

Doanh nghiệp xây dựng thực hiện như thế nào là theo quy hoạch đã được nhà quản lý duyệt.

Đối với quy hoạch, vai trò của nhà quản lý nhiều hơn. Cần phải có tầm nhìn quy hoạch không chỉ cho hiện tại mà cho cả tương lai.

quy-hoach-thu-do

Quy hoạch nhà cao tầng ở Thủ đô 

- Dư luận đặt ra câu hỏi liệu có lợi ích nhóm giữa nhà quản lý và doanh nghiệp trong việc xây dựng và cấp phép quy hoạch?

Tôi cho rằng nhận định của dư luận cũng có cơ sở. Tôi cho rằng có hai vấn đề. Thứ nhất là tầm nhìn của nhà quản lý, có thể quy cho năng lực hạn chế.

Nhưng tôi nghĩ là dư luận xã hội nhận thấy, báo chí, cử tri nhận thấy quy hoạch có những bất thường trong đó. Đó có thể là ví dụ “đường cong mềm mại” mà chúng ta đã phân tích ở trên.

 
Dư luận nói những người tham gia vào các dự án đó có lợi ích nhóm là cũng có cơ sở.

Đại biểu Phạm Tất Thắng

Ai mà tham gia dự án mua được giá gốc cũng có lợi ích rồi. Rõ ràng không loại trừ những người tham gia các dự án này có lợi ích từ tham gia phê duyệt, thiết kế, thi công, phân phối các sản phẩm trong đó. Cho nên, việc dư luận nói những người tham gia vào các dự án đó có lợi ích nhóm là cũng có cơ sở.

- Cần xử lý các trường hợp “đi đêm” làm biến tướng quy hoạch như thế nào, thưa ông?

Cần xử lý theo pháp luật. Vừa qua chúng ta chưa xác định được việc thay đổi quy hoạch thì thiệt hại về kinh tế bao nhiêu. Nhưng rõ ràng việc thay đổi quy hoạch dẫn tới việc biến dạng bộ mặt Thủ đô không còn như kỳ vọng của nhân dân, cử tri Hà Nội cũng như cả nước.

Tình trạng kẹt xe, tắc đường ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của Hà Nội. Tôi cho rằng như vậy đã gây ra hậu quả nghiêm trọng rồi,mặc dù hậu quả đó chưa được lượng hoá bằng giá trị vật chất cụ thể.

Đối với những dự án có những dấu hiệu sai thì cần tiến hành thanh tra, kiểm tra kịp thời. Nếu phát hiện sai phạm thì phải xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật.

- Hà Nội có thể học đường mô hình quy hoạch đô thị của nước nào trên thế giới?

Chúng ta có thể học tập ở rất nhiều mô hình quy hoạch đô thị trên thế giới. Thậm chí, Hà Nội có thể học tập mô hình quy hoạch ở Bắc Kinh - một thành phố rất gần với Hà Nội.

Quy hoạch nội đô của Bắc Kinh với hệ thống đường vành đai, đường đồng tâm, đường xuyên tâm rất hiện đại, hiệu quả. Đường sá những khu phố mới ở Bắc Kinh cũng được quy hoạch và làm rất bài bản, đẹp.

Ngoài ra, có nhiều đô thị khác ở xung quanh chúng ta có thể học tập. Tuy nhiên, mô hình học tập thì có nhiều nhưng mà chúng ta phải áp dụng phù hợp với điều kiện Hà Nội.

Quan điểm tiên quyết là phải giữ được lõi đô thị cổ, cũ của Hà Nội với những phố cổ, phố cũ. Việc mở mang đô thị mới phải hiện đại, đồng bộ, khang trang, xứng tầm, đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Chính quyền Hà Nội cần thực hiện các giải pháp một cách cương quyết. Đó là thực hiện di dời các cơ quan các Bộ, bệnh viện lớn, trường đại học ra khỏi khu vực trung tâm Thủ đô cần phải quyết tâm thực hiện bằng những giải pháp đồng bộ.

Xin cảm ơn ông! 

Phạm Thịnh (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn