(VTC News) - Đại biểu Quốc hội đã chia sẻ nhiều kỳ vọng dành cho tân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong nhiệm kỳ này.
Sáng 7/4, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên thệ trước Quốc hội và nhân dân cả nước.
Ông Nguyễn Xuân Phúc trở thành Thủ tướng Chính phủ (Ảnh: Giang Huy) |
Trả lời phỏng vấn VTC News bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) chia sẻ: “Tôi muốn nhắn gửi nhiều điều nhưng chỉ nói một điều rằng tôi rất tin tưởng vào Thủ tướng mới. Tôi mong ông ấy sẽ làm chuyển biến, thúc đẩy có hiệu quả tình hình kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh”.
Đại biểu Lê Nam cho rằng, nhiều vấn đề như cải cách hành chính, bộ máy quản lý, bảo vệ chủ quyền Biển Đông… là các vấn đề gánh nặng với tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) |
“Gánh nặng trước đất nước, nhân dân đè lên vai Thủ tướng và không chỉ mình Thủ tướng mà Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư, các đồng chí trong Bộ Chính trị”, đại biểu Lê Nam lưu ý.
Ông Nam cũng bày tỏ sự tin tưởng các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chính phủ sẽ vượt qua được và hoàn thành trọng trách của mình.
“Bài học muôn đời là phải dựa vào dân. Như Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, chưa biết sắp tới ra sao, nhưng cách làm của ông là cách làm đúng, được dân mong đợi. Tôi tin với đội ngũ lãnh đạo mới, dù trách nhiệm rất nặng nề, nhưng với tư duy mới, sự lựa chọn táo bạo, biết lựa chọn để tháo gỡ những khó khăn hiện nay thì tôi tin tình hình đất nước sẽ tốt”, đại biểu Lê Nam tin tưởng.
Bên cạnh đó, vị đại biểu Thanh Hóa mong muốn tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chọn đúng những việc đột phá để làm xoay chuyển, thúc đẩy có hiệu quả ngay tình hình kinh tế, xã hội và an ninh Quốc phòng.
Video: Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhậm chức Thủ tướng
(Nguồn: Quốc hội TV)
(Nguồn: Quốc hội TV)
Bên cạnh đó, ông Nam cũng rất đồng tình với phát biểu của đại biểu Lê Văn Lai tại hội trường về 2 quốc nạn mà Chính phủ mới cần tập trung giải quyết.
“Giặc nội xâm là đấu tranh phòng chống tham nhũng và đấu tranh chống ngoại xâm là bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là Biển Đông.
Tôi nghĩ điều đó là khát vọng, mong đợi, yêu cầu của nhân dân. Sắp tới Thủ tướng phải làm thế nào để chuyển biến, có được kết quả cụ thể”, đại biểu Lê Nam băn khoăn.
Đại biểu Dương Trung Quốc |
Cũng cùng quan điểm này, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc chia sẻ: “Như nhiều kỳ vọng của đại biểu Quốc hội, ta đứng trước 2 vấn đề: nội xâm và ngoại xâm, giải quyết tốt ta mới phát triển bền vững được”.
Đại biểu Dương Trung Quốc cũng đánh giá tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người hoạt động trong cơ quan hành pháp khá lâu.
“Nhiệm kỳ vừa rồi ông là người trợ thủ, người thực thi công việc, thực tiễn chỉ đạo nhiều công việc. Song chắc chắn cương vị Thủ tướng là vai trò rất lớn đòi hỏi yêu cầu cao, ta chỉ hy vọng thôi, cờ chưa đến tay thì làm sao phất được”, ông Quốc nói.
Bên cạnh đó, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng việc chống tham nhũng cần thêm cả vai trò Quốc hội trong giám sát và xây dựng hệ thống luật pháp.
"Tân Thủ tướng có vai trò rất lớn trong chỉ đạo, điều hành các vấn đề kinh tế, xã hội, do đó yêu cầu, đòi hỏi rất cao. Tân Thủ tướng cần phải có sự đổi mới, đột phá mạnh mẽ, gắn với thực tiễn để điều hành", ông Quốc nói.
Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) |
Trong khi đó, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) nhắc đến việc kỷ cương lỏng lẻo nên có hiện tượng mời gọi đầu tư nhưng “trên rải thảm, dưới rải đinh”.
Trong khi đó, trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo vẫn còn hiện tượng chạy theo thành tích
"Thậm chí có cơ sở buông lỏng quản lý về chất lượng nên có hiện tượng “bằng thật, kiến thức giả”, chứ tôi còn chưa nói đến “bằng giả, kiến thức giả” nữa.
Về lĩnh vực y tế, cơ quan quản lý đã quản lý chặt chẽ, nhưng đối với người thực hiện, cơ sở y tế thì đâu đó vẫn có vấn đề về y đức, trễ nải trong trách nhiệm khám, chữa bệnh để đến mức làm bệnh nhân tử vong”, ông Tiến nêu ra thực tế.
Vì vậy, vị đại biểu tỉnh Quảng Trị kỳ vọng tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ điều hành tốt Chính phủ để hạn chế những yếu kém đã được các đại biểu Quốc hội nêu ra trong thời gian vừa qua.
“Đó là do kỷ cương, kỷ luật trên bảo dưới không nghe. Cho nên tôi mong rằng, tân Thủ tướng phải siết chặt kỷ luật, lỷ cương ở rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kỷ luật, kỷ cương giữa cấp trên và cấp dưới phải mạnh hơn, rõ hơn", đại biểu Lê Như Tiến kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) |
Nói về đề xuất của một số đại biểu quốc hội, tân Thủ tướng cần có lời tuyên thệ phòng chống tham nhũng trong Lễ nhậm chức, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng việc Tân Thủ tướng có tuyên thệ hay không, đó là suy nghĩ và trách nhiệm của Thủ tướng.
“Không phải trong lời tuyên thệ có nhắc tới phòng chống tham nhũng thì tân Thủ tướng mới quan tâm tới phòng chống tham nhũng. Vấn đề là làm sao lời tuyên thệ của người đứng đầu Chính phủ mới thể hiện trách nhiệm trước dân, trước đất nước”, đại biểu Học nhấn mạnh.
Phạm Thịnh
Bình luận