• Zalo

Đại biểu Quốc hội: 'Chạy' đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều nơi 'ôm' nợ lớn

Thời sựThứ Năm, 05/11/2015 04:45:00 +07:00Google News

xây dựng nông thôn mới vẫn còn chưa chủ động, còn lệ thuộc, ỷ lại. Nhiều xã chạy chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới còn nợ đọng nhiều tỷ đồng.

(VTC News) - Đại biểu Quốc hội nêu lên một thực trạng là tình trạng nợ đọng vì xây dựng nông thôn mới đang khá phổ biến ở nhiều nơi.

Phiên thảo luận chiều 4/11 tại hội trường về hiệu quả của các chương trình mục tiêu quốc gia, hầu hết đại biểu Quốc hội đồng tình với Chính phủ nên rút gọn 16 Chương trình mục tiêu quốc gia, chỉ tập trung đầu tư vào hai Chương trình là Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững.

Đại biểu Danh Út
Đại biểu Danh Út 

Theo đó, Chính phủ sẽ thực hiện một số nội dung quan trọng liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn được lồng ghép từ các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015. Phấn đấu đến năm 2020 có 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới.

Cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã. Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn: thu nhập tăng 1,8 lần so với năm 2015, 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Để đạt được mục tiêu này Chính phủ sẽ dành khoảng 1.000.000 tỷ đồng (trong đó: ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình: 120.000 tỷ đồng; lồng ghép với các chương trình, dự án khác: 80.000 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 130.000 tỷ đồng; huy động các nguồn lực khác: 670.000 tỷ đồng).

Góp ý về nội dung này, đại biểu Danh Út cho rằng, thời gian qua chương trình nông thôn mới còn chưa chủ động, vẫn lệ thuộc, ỷ lại vào ngân sách nhà nước, chưa huy động được nguồn lực xã hội.

"Cần khuyến khích đầu tư cho xã nghèo và đặt tỷ lệ xã nghèo vươn lên đạt nông thôn mới phải là phần lớn trong mục tiêu 50% tổng số xã đạt vào năm 2020", ông Út đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) thì đề nghị, vốn đối ứng cho các tỉnh nghèo nên là 70 - 30 hoặc 80 - 20, thay vì 50 - 50 vì tỉnh nghèo không có khả năng cân đối vốn đối ứng.

Cũng liên quan đến vốn đối ứng, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) lại nêu lên một thực trạng là "Một xã được bố trí vốn xây dựng một đoạn đường từ nguồn vốn nông thôn mới. Sau đó lại có một đoạn đường xây dựng từ vốn chương trình giảm nghèo. Nhưng hai con đường này chưa chắc đã kết nối với nhau và sử dụng cùng một lúc nên khó tạo được hiệu quả”.

"Để tránh lãng phí, không nên xây dựng cơ sở vật chất mà phải thực hiện các chương trình định canh định cư, tạo quỹ đất, đào tạo nghề cho người nghèo", ông Châu đề nghị.

Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) thì lại nêu lên một thực trạng là tình trạng nợ đọng vì xây dựng nông thôn mới khá phổ biến, nhất là các xã trong diện phấn đấu đạt chuẩn năm 2015. Nhiều xã, huyện đang nợ đọng hàng chục tỉ đồng, mặc dù đã hoàn thành chương trình nông thôn mới nhưng dư nợ quá khả năng để thanh toán.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn