• Zalo

Đại biểu Quốc hội ‘chấm điểm’ Bộ trưởng trước khi bấm nút phê chuẩn

Thời sựThứ Tư, 27/07/2016 14:38:00 +07:00Google News

Đại biểu Quốc hội đã có những đánh giá của riêng mình trước khi bấm nút phê chuẩn các Bộ trưởng, trưởng ngành.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 27/7, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đã có những nhận định về hành động của các Bộ trưởng, trưởng ngành.

Hoang-Van-Cuong-1

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)  (Ảnh: Phạm Thịnh)

- Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, hơn 20 thành viên Chính phủ đã được kiện toàn lại. Ông đánh giá thế nào về hoạt động của Chính phủ mới qua 3 tháng vừa qua?

Kỳ họp này cũng có nhiệm vụ hết sức quan trọng là sẽ kiện toàn, thành lập bộ máy và kiện toàn các thành viên Chính phủ.

Tuy nhiên, công việc của kỳ này rất là nhẹ. Nhẹ hơn các kỳ khác, ở chỗ ít nhất chúng ta đã có một lần để Quốc hội xem xét (Quốc hội khóa XIII) và các thành viên đó đã có 3-4 tháng để trải nghiệm cho mình.

Về phía lãnh đạo, ít nhất 2 lần Trung ương đã xem xét, đánh giá về nhân sự này cho nên từ hôm giới thiệu các nhân sự đến nay, tôi thấy các nhân sự đều được chuẩn bị, đánh giá kỹ lưỡng.

Điều đó cũng làm cho việc xem xét của các vị ĐBQH ở khóa XIV có cơ sở, căn cứ để chúng ta đưa ra những quyết định tương đối tự tin và chúng tôi thấy rằng, những người được giới thiệu đều đủ năng lực, đủ điều kiện và tổ chức tốt để hoàn thành nhiệm vụ.

Video: Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ trước Quốc hội

- Thời gian qua, một số vụ việc đã xảy ra khiến dư luận bức xúc. Liệu các Bộ trưởng, trường ngành cần phải giải trình rõ những vấn đề nóng tại ngành trước khi đại biểu Quốc hội bấm nút bầu lại?

Đúng là trong cuộc sống vận động vẫn còn có vấn đề phát sinh. Có vấn đề phát sinh có thể do sự chủ quan của cơ quan quản lý để xảy ra, nhưng cũng có vấn đề phát sinh xảy ra không đơn thuần ở trong cơ quan quản lý trong thời điểm tức thời đó, có thể là hậu quả của quá trình lâu dài.

Trong thời gian vừa qua có một số vấn đề phát sinh như thế nhưng vị trí ở tư lệnh ngành, tôi thấy người ta đều có hành động rất quyết liệt.

Ví dụ, chẳng hạn việc xử lý sự cố môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xử lý rất quyết liệt và cho đến nay người ta bám đuổi việc xử lý đó rất chặt chẽ. Đây là điều người dân đánh giá rất cao.

chinh phu tu thang 4

Cơ cấu Chính phủ từ sau tháng 4/2016. Ảnh: VnExpress

- Ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường được ông đánh giá cao còn tư lệnh ngành nào khác cho ông sự hài lòng?

Trong giai đoạn 3 tháng các tư lệnh ngành đã có những hành động rất rõ ràng, quyết liệt. Trong thời gian rất ngắn đã thể hiện được bản lĩnh của mình.

Tôi cũng là người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Tôi thấy ngay Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, một người từ quản lý cấp trường lên quản lý cấp Bộ nhưng Bộ trưởng đã có ngay các hành động, thay đổi.

Tôi nghĩ trong thời gian ngắn mà những tư lệnh ngành đã có sự thay đổi và quyết liệt như thế thì trong thời gian tới các Bộ trưởng sẽ giúp cho Thủ tướng Chính phủ thực hiện được phương châm xây dựng Chính phủ hành động.

- Vậy có tư lệnh ngành nào khi giải quyết sự việc khiến ông không hài lòng?

Tôi nghĩ rằng thời điểm này chúng ta chưa có những đánh giá để đưa ra những ý kiến chưa hài lòng về các Bộ trưởng trong thời gian vừa qua.

- Sáng nay, Thủ tướng Chính phủ đã trình Quốc hội cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ khóa XIV. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Tôi cho rằng cơ cấu thành viên Chính phủ khóa mới được giữ ổn định, duy trì như 2 nhiệm kỳ trước đây. Tôi cho rằng đây là quyết định hợp lý.

Chúng ta thấy rằng, nếu thay đổi cơ cấu về mặt Chính phủ sẽ thay đổi rất nhiều thứ. Chúng ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để cố gắng thu gọn, lược bớt đi những cái gì không cần thiết.

Vì vậy với bộ máy đang có, trong quá trình cải cách chúng ta sẽ tìm ra những cái gì không cần thiết sẽ lược bớt đi để tinh giản dần bộ máy, chứ nếu chúng ta đổi mới ngay, thành lập bộ này, thay đổi bộ kia, thành lập chức năng này, chức năng khác thì lại sinh ra vấn đề gây khó cho quá trình đổi mới thủ tục hành chính.

Xin cảm ơn ông !

Sáng 27/7, Thẩm tra tờ trình cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của QH đồng ý với tờ trình của Thủ tướng về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ QH khóa XIV có 27 thành viên gồm: Thủ tướng, 5 phó thủ tướng (trong đó có 1 Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao) và 21 bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Theo báo cáo thẩm tra, cơ cấu chính phủ như tờ trình đã kế thừa từ các nhiệm kỳ chính phủ trước đây, phù hợp với Nghị quyết của QH về cơ cấu tổ chức của chính phủ vừa được QH thông qua, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hoạt động của Chính phủ cũng như yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn hiện nay.

Việc phân công 5 Phó thủ tướng giúp Thủ tướng theo dõi, chỉ đạo 5 nhóm lĩnh vực như dự kiến trong tờ trình, giúp cho công tác chỉ đạo điều hành có sự chuyên sâu để chính phủ vừa có điều kiện tập trung vào những vấn đề mang tính dài hạn, vừa ứng phó kịp thời với những việc đột xuất phát sinh trong điều hành kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên cũng có một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị nên có 1 Phó thủ tướng phụ trách nông nghiệp, về lâu dài nên có thành viên Chính phủ đảm nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ không kiêm nhiệm bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn