Ngày 23/5, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Theo đó, giá xăng RON 95 là 30.650 đồng/lít (tăng 670 đồng/lít); xăng E5 RON 92 là 29.630 đồng/lít (tăng 680 đồng/lít). Như vậy, giá xăng đã vượt 30.000 đồng/lít, lên mức cao nhất từ trước đến nay.
Liên quan đến vấn đề này, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho rằng, việc giá xăng tăng phi mã như hiện nay sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam, do đó, cần những giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu.
"Quan trọng nhất là chi phí đầu vào và vấn đề kiểm soát lạm phát. Hiện nay, dư địa điều hành giá xăng dầu vẫn còn nhưng phải đánh đổi giữa việc giảm thu ngân sách và kiểm soát đà tăng của giá xăng", bà Sửu nói.
Bà Sửu phân tích, việc tăng giá xăng dầu chịu ảnh hưởng từ giá thế giới, từ cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải chủ động về nguồn cung, nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Muốn như thế, phải rà soát, đánh giá lại hiệu quả của các mỏ và nhà máy lọc dầu trong nước.
Mặt khác, bà Sửu nêu quan điểm, cần giảm một số lệ phí cấu thành nên giá xăng dầu. Ví dụ, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng phải tính toán để giảm, nhưng giảm như thế nào để cân bằng thu chi là vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng.
"Để có dư địa giảm với xăng, tôi cho rằng, cần tính toán tăng thu thuế tiêu thụ đặc biệt với một số ngành nghề dịch vụ, du lịch, nhà hàng, khách sạn, hoạt động giải trí, vì những ngành nghề này đã hoạt động trở lại", bà Sửu đề xuất.
Còn về thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, bà Sửu cho rằng khó có thể giảm thêm bởi thuế này đã giảm 50%. Nếu giảm tiếp là coi nhẹ câu chuyện về môi trường, phá vỡ cân bằng sinh thái, điều này cần phải tránh vì Việt Nam đang hướng đến mục tiêu NetZero vào năm 2050.
Giá xăng liên tục tăng cao thời gian gần đây khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Theo tính toán, khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm GDP giảm khoảng 0,5% - mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, kinh tế trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.
Trong khi đó, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), dự đoán giá xăng dầu năm nay có khả năng diễn biến theo chiều hướng tăng cao, nhất là khi nguồn cung trong nước vẫn chưa ổn định, chuỗi cung ứng xăng dầu trên thế giới bị gián đoạn.
Trong công tác điều hành mặt hàng xăng dầu, Liên bộ Công Thương - Tài chính liên tục theo dõi sát diễn biến của giá thế giới để tiếp tục có những kiến nghị liên quan tới vấn đề về thuế, phí. Mới đây, liên bộ cũng đã đề cập tới việc rà soát lại ngay cả với thuế MFN (tức là mức thuế tối huệ quốc), với kiến nghị để giảm từ 20% xuống 12%.
Tuy nhiên mức giảm thế nào cũng phải tính để có thể hài hòa trong quá trình đàm phán với các nước đồng thời giữ tỷ lệ nguồn thu, khuyến khích đa dạng hóa nguồn cung nhưng cũng phải tạo chênh lệch giữa các mức thuế thị trường FTA với các thị trường có mức thuế MFN.
Trước đó, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho rằng, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao thì giải pháp giảm thuế cần tiếp tục được tính tới. Nếu giá xăng dầu biến động mạnh hơn, Bộ Công Thương đã chủ động kịch bản, cụ thể nếu giá 130 USD, 150 USD/thùng thì sẽ đề xuất đưa ra kịch bản tiếp tục giảm các thuế đối với xăng dầu, như thuế môi trường, tiêu thụ đặc biệt…
Bình luận