Sáng 26/7, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, thảo luận quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Góp ý về nội dung thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) đánh giá cao báo cáo của Chính phủ liên quan tới nội dung này.
Tuy nhiên, theo đại biểu Thành, cần tiếp cận thực hành tiết kiệm chống lãng phí một cách rộng hơn, không chỉ là vấn đề sử dụng ngân sách Nhà nước, quản lý tài sản công mà phải nhìn rộng ra về nguồn lực xã hội và các quan hệ xã hội.
"Chẳng hạn như việc khai thông tin cá nhân. Vấn đề này ở các cơ quan, tổ chức rất khác nhau làm lãng phí và mất rất nhiều thời gian của các tổ chức cá nhân. Cần chuẩn hóa các thông tin này để việc lưu trữ, sử dụng, kê khai được đồng bộ. Như vậy cũng là tiết kiệm", ông Thành cho hay.
Vị đại biểu lấy một ví dụ khác về chuyện đánh số nhà. Theo ông, để tránh tình trạng đánh số nhà không theo quy luật nào như hiện nay, cần phải có quy định pháp lý về việc đánh số nhà. Đánh số nhà, hướng phố theo đúng quy định, quy tắc sẽ giúp làm giảm được thời gian cho con người lưu thông trong giao thông, tiết kiệm rất nhiều vấn đề về nhiên liệu.
"Ngoài ra, về vấn đề đào tạo cần có cân nhắc, có cần thiết phải có nhiều bằng cấp như vậy không? Ví dụ như việc chuẩn hóa giáo viên mầm non, có nhất thiết phải tất cả đều phải chuẩn hóa đại học không trong khi ở nhiều vùng sâu, vùng xa, điều kiện giáo viên rất khó khăn. Có những giáo viên cùng một lúc đứng lớp đến 3-4 nhóm tuổi, làm sao mà có thể đáp ứng điều đó?”, đại biểu Nguyễn Lâm Thành nêu ý kiến.
Ông Thành cho rằng việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ là cần thiết nhưng phải có quy định phù hợp với từng nhóm đối tượng và từng vùng miền trong lộ trình phù hợp.
Bình luận