(VTC News) - Đại biểu Quốc hội mong muốn những tư lệnh ngành có nhiều quyền hạn hơn và mạnh dạn quyết định những vấn đề thuộc trách nhiệm của mình mà không phải chờ ý kiến từ cấp trên.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 11/4, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đã bày tỏ kỳ vọng vào những thành viên mới trong Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) |
- Ông đánh giá gì về việc nhiều thành viên trong Chính phủ là người trẻ nhưng có số phiếu không cao?
Sự đánh giá của đại biểu Quốc hội với thành viên mới được phê chuẩn theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ khá là phù hợp. Vì những đồng chí nào đã có điều kiện trên các hoạt động của mình, đại biểu Quốc hội biết được nhiều thì được đánh giá kỹ.
|
Nếu những đồng chí còn trẻ mà có phiếu cao ngất thì lại không phải là điều tốt. Với tỷ lệ phiếu như vậy thì khá phù hợp.
- Như vậy, đại biểu Quốc hội đã đánh giá một cách khách quan hơn, thưa ông?
Tỷ lệ bỏ phiếu tại Quốc hội cũng không phải như xưa. Trước đây, có những kỳ đại biểu bỏ phiếu tán thành đều trên 90% thì nay sự đánh giá đã sát hơn.
Bỏ phiếu phê chuẩn các thành viên Chính phủ vào cuối nhiệm kỳ cũng có cái hay. Các đại biểu Quốc hội sau 5 năm đã có kinh nghiệm hoạt động trên nghị trường.
Các nhân sự được đề xuất để đánh giá có sự nhìn nhận đầy đủ hơn. Sau 5 năm ngồi nghị trường quan sát các lĩnh vực, các đại biểu Quốc hội cũng rút ra được đồng chí ở ngành ấy, lĩnh vực ấy như thế nào. Vì vậy, việc bỏ phiếu phê chuẩn khá sát thực tiễn.
Danh sách các thành viên Chính phủ |
- Ông đánh giá như thế nào về các Bộ trưởng, trưởng ngành còn rất trẻ trong Chính phủ mới?
Trong thành phần nội các mới, tuổi bình quân không phải trẻ so với các nhiệm kỳ trước, dù có một vài nhân sự khá trẻ như tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng 46 tuổi.
Nhưng tôi nghĩ như vậy chưa phải là trẻ, có những nước Thủ tướng chỉ ngoài 30 tuổi. Tuy nhiên chúng ta thì có đặc điểm riêng.
Những trường hợp trẻ vừa nêu, các đại biểu Quốc hội cũng rất cân nhắc khi bỏ phiếu. Có những người đồng ý, có người không đồng ý cũng là điều tốt cho những đồng chí được phê chuẩn. Những người này cũng phải cố gắng rất nhiều.
Giờ phiếu cao ngất ngưởng có khi lại không tốt. Lá phiếu của đại biểu Quốc hội không phải một chiều, luôn có sự đánh giá, cân nhắc để có kết quả cuối cùng này. Tôi nghĩ rằng, người dân thấy thế là phù hợp.
Tân Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chỉ được hơn 60% đại biểu Quốc hội đồng ý phê chuẩn - Ảnh: PLO |
- Ông đánh giá thế nào về trường hợp Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội?
Tôi cho rằng lĩnh vực Lao động, Thương binh và Xã hội là lĩnh vực hết sức vất vả. Tôi biết đồng chí Đào Ngọc Dung là người dám nói, dám làm, nhưng cũng có những điều đáng tiếc trong lịch sử tác động lên lá phiếu của đại biểu.
Tỷ lệ ủng hộ không được cao cũng tạo thành yêu cầu, động lực để tân Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội cố gắng nhiều hơn, để chứng tỏ sự lựa chọn của Quốc hội là đúng đắn. Tôi cũng biết đồng chí tân Bộ trưởng rất quyết tâm.
|
Điều này phản ánh khách quan trong quá trình công tác trước đó của người được bỏ phiếu phê chuẩn bổ nhiệm còn có những vấn đề này khác chưa thực sự thuyết phục được nhiều đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, dù số phiếu cao hay thấp thì kết quả bỏ phiếu này chính là động lực để các đồng chí mới được phê chuẩn bổ nhiệm tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hơn nữa để hoàn thành trọng trách được giao.
Cũng giống như kết quả bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội nhiệm kỳ này, có những đồng chí lần bỏ phiếu đầu mức tín nhiệm còn thấp nhưng nhờ nỗ lực mà đã có sự thăng tiến vượt bậc, được ghi nhận và có số phiếu tín nhiệm rất cao ở lần bỏ phiếu sau. Đó cũng là điều mà đại biểu Quốc hội và nhân dân cùng trông đợi.
- Ông có điều gì muốn gửi gắm vào Chính phủ mới?
Tôi mong muốn Chính phủ mới phải là Chính phủ mạnh mẽ, quyết tâm và gắn liền với người dân. Chính phủ phục vụ nhân dân để vượt qua thách thức trong giai đoạn mới, cả về vấn đề kinh tếxã hội và an ninh quốc phòng. Những khó khăn của nhiệm kỳ trước thì sẽ được giải quyết rốt ráo hơn.
Video: Diện mạo Chính phủ mới
(Nguồn VTV)
- Phải chăng chúng ta nên trao quyền nhiều hơn cho các tư lệnh ngành để họ có thể thực thi được quyền lực tốt hơn?
Thứ nhất, đúng tư lệnh ngành cần có quyền hạn nhất định để thực hiện được trọng trách của mình, đó là đòi hỏi.
Thứ hai, bản thân các tư lệnh ngành cũng phải thể hiện trách nhiệm của mình, quyết tâm của mình trong việc giải quyết những nhiệm vụ thuộc trách nhiệm.
Cũng có có chuyện tư lệnh ngành không dám quyết, cái gì cũng cũng chờ Chính phủ quyết, trông chờ Chính phủ cho phép. Tư lệnh ngành có quyền quyết thì phải sử dụng quyền của mình trong khuôn khổ pháp luật cho phép.
Quan điểm của tôi, ủng hộ làm sao các tư lệnh ngành có nhiều quyền hạn hơn, dần dần phải bỏ quan niệm gần như cố hữu là bao cấp cả tư duy, bao cấp cả quyền lực.
Cái gì cũng xin. Suy nghĩ cũng phải xem suy nghĩ trên như thế nào rồi nghĩ. Cái gì cũng chờ chỉ đạo.
Chính phủ mới nên cân nhắc tư lệnh ngành có toàn quyền và chịu trách nhiệm. Tư lệnh ngành cũng phải vươn lên để đủ khả năng quyết định những gì thuộc trách nhiệm mà không phải xin ý kiến.
Tôi mong muốn, lĩnh vực nào cũng có những đồng chí tư lệnh mạnh mẽ. Như trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nhiều tư lệnh chiến trường giỏi, quyết đoán. Nếu như lúc đó dừng lại xin ý kiến từ Bộ tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng là mất cơ hội. Chuyện điều hành kinh tế cũng phải quyết đoán như vậy.
Xin cảm ơn ông!
Minh Đức
Bình luận