Video: Đại biểu Nguyễn Trung Thành nói về việc thanh niên bị lôi kéo xuống đường gây rối
Trả lời VTC News bên hành lang Quốc hội ngày 14/6, đại biểu Ngô Trung Thành (Lâm Đồng), Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng việc người dân một số tỉnh phía Nam bị kích động xuống đường gây rối là sự việc đáng tiếc. Đó là những hành vi không chuẩn mực, gây mất trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn.
"Tôi cho rằng việc gây rối này ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội, môi trường đầu tư của chúng ta trên trường quốc tế, sự phát triển, an ninh của đất nước", đại biểu Thành bày tỏ.
Bên cạnh đó, vị đại biểu Lâm Đồng cũng cho rằng các thế lực thù địch đã xuyên tạc thông tin để kích động những người dân gây rối.
"Dư luận cũng có một số ý kiến cho rằng ảnh hưởng từ việc luật an ninh mạng có quy định khắt khe hơn, tuy nhiên tôi cho rằng thông tin nêu lên như vậy có vẻ bị lợi dụng, bị thổi lên. Thực sự, những nhà chuyên môn, doanh nghiệp phản ứng rất tích cực sau khi luật được ban hành, thái độ của người làm luật rất cầu thị, rất lắng nghe. Việc góp ý chỉnh sửa luật như vừa qua là rất tốt", đại biểu Ngô Trung Thành nói.
Ngày 13/6, Công an tỉnh Bình Thuận vừa cho biết, đơn vị đã lấy lời khai các nghi can trong vụ xuống đường gây rối và phá hoại tài sản các cơ quan Nhà nước xảy ra vào ngày 10 và 11/6.
Tại cơ quan điều tra, đa số các nghi can gây rối (đều trú ở tỉnh Bình Thuận và là thanh thiếu niên) khai bị kẻ lạ xúi giục với hình thức cho tiền và sẽ thưởng nếu làm tốt công việc gây rối, hủy hoại tài sản của các cơ quan Nhà nước.
Trước thông tin này, đại biểu Ngô Trung Thành cho rằng việc xảy ra vừa rồi rất đáng tiếc nhưng phản ứng của các cơ quan chức năng rất phù hợp.
Tuy nhiên, sau sự việc này, các cơ quan chức năng cũng cần tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm, để sau này có xảy ra sẽ có cách xử lý hợp lý hơn, hiệu quả hơn.
"Cơ quan chức năng cần xem xét sàng lọc để xác định hành vi nào thực sự là hành vi mang tính kích động, có đối tượng tuy thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng chỉ bị lôi kéo, điều quan trọng là phải xử lý người cầm đầu, chế tài phải nghiêm khắc, đúng luật", vị Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh.
Đại biểu Ngô Trung Thành cũng bày tỏ sự đáng tiếc khi trong số những người bị lôi kéo có cả trẻ em, thanh niên.
"Đây là việc cơ quan chức năng cần có sự xem xét, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác giáo dục cũng như là hướng dẫn các em, đặc biệt là liên quan đến các thông tin tuyên truyền trên mạng có cách ứng xử phù hợp trước những thông tin tuyền truyền, lôi kéo của các thế lực thù địch", đại biểu Lâm Đồng nói.
Việc tuyên truyền phổ biến giáo dục cho trẻ em, thanh niên cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cơ quan chức năng, nhà trường và đặc biệt là gia đình.
"Trong khi bố mẹ, cha ông các em đã đổ biết bao xương máu đã hi sinh để giành độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ đất nước, thì các em lại bị lôi kéo để có những hành vi vi phạm pháp luật như vậy thì đó là trách nhiệm của cả xã hội, của cả gia đình", đại biểu Thành bày tỏ.
Tuy nhiên, qua sự việc đáng tiếc vừa qua, vị Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật cho rằng Công tác xây dựng luật của Quốc hội cũng cần xem xét đánh giá lại quy trình lấy ý kiến.
"Chúng ta đã có rồi, tuy nhiên việc lấy ý kiến có vẻ chưa hiệu quả, làm sao để trong quá trình xây dựng luật ngay từ đầu những người có quyền lợi liên quan đến phạm vi điều chỉnh luật, văn bản luật đó được bày tỏ chính kiến.
Cái quan trọng nhất là làm sao để họ quan tâm ngay từ đầu, chứ đến lúc cuối họ mới quan tâm thì thực sự rất khó cho các cơ quan. Đó là cách tôi nghĩ cần chú ý trong kỹ thuật lấy ý kiến", đại biểu Thành nói.
Bình luận