Nhận xét về phiên chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng, Bộ trưởng đã trả lời thẳng vào vấn đề đại biểu quan tâm, thẳng thắn nhận trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng và nhận trách nhiệm của ngành.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói rất rõ, đổi mới giáo dục không chỉ của Bộ GD-ĐT mà cả hệ thống chính trị, các cơ quan, bộ ngành, địa phương và trách nhiệm của từng giáo viên cùng chung tay, góp sức để xây dựng kỷ cương, nề nếp cũng như nâng cao chất lượng giáo dục.
"Cá nhân tôi cũng đánh giá phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đạt yêu cầu”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhận xét.
Cũng theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT là không chỉ là tập trung nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục mà còn là "sửa chữa" lại hệ thống. Đây là nhiệm vụ kép và rất nặng nề.
Do đó việc đảm bảo cho nền giáo dục chân chính, cách mạng, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của thị trường lao động thì phải phải có lộ trình. Về vấn đề đầu tư cho giáo dục, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã đặt vấn đề nghiêm túc với Bộ trưởng và Bộ trưởng đã có câu trả lời thỏa đáng.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, nội dung giải trình của Bộ trưởng, các đại biểu nêu ra những bức xúc không chỉ hiện tại mà bức xúc trong cả quá trình dài. Nó là vấn đề rất “nóng” thậm chí nóng hơn cả buổi chất của các Bộ trưởng trước. Trong bối cảnh như vậy, các đại biểu hỏi rất sát, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trả lời trực diện vào vấn đề, nhận ra được trách nhiệm của bản thân mình, ngành mình.
"Tôi chia sẻ với Bộ trưởng rằng trong các vấn đề đều nóng, tìm ra câu trả lời đúng, trúng ngay để làm hài lòng cử tri là rất khó. Nhưng cách trả lời của Bộ trưởng, tôi đã thấy có được những giải pháp, lộ trình. Với quyết tâm và lộ trình cùng với các giải pháp cụ thể, lâu dài, hy vọng các bức xúc liên quan đến ngành sẽ được dần giải quyết", đại biểu Hoa nhận xét.
Bên cạnh đó, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, để giải quyết những vấn đề của các đại biểu đưa ra, ngoài Bộ GD-ĐT, hệ thống chính trị, chính quyền các cấp cũng cần có cơ chế phối hợp mới có thể đạt được kết quả tốt nhất.
"Những giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra tôi đã nhận thấy sự quyết tâm của tư lệnh ngành. Tôi cũng mong Bộ trưởng đi sâu, đi sát hơn nữa vào nâng cao chất lượng. Đồng thời làm tốt công tác phân luồng học sinh. Nhìn chung, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lắng nghe, cầu thị để có những điều chỉnh hợp lý nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo", đại biểu Lợi cho biết.
Video: Những phát ngôn ấn tượng trong ngày chất vấn cuối cùng
Bình luận