Thảo luận Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đại biểu Quàng Thị Vân (Điện Biên) cho rằng rượu, bia đang bị lạm dụng quá mức, gây hại cho sức khỏe con người.
Rượu bia là nguyên nhân gây ra hơn 320 loại bệnh tật, là hiểm họa, nguy cơ gây tai nạn giao thông, suy thoái giống nòi, là nguyên nhân của đói nghèo, đặc biệt đối với vùng cao, nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số.
"Việc quá lạm dụng rượu, bia làm ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội của đất nước. Ở Việt Nam mức tiêu thụ rượu, bia không ngừng tăng lên, dân số Việt Nam đứng thứ 8 châu Á nhưng mức tiêu thụ rượu, bia thì đứng thứ 3, tổng số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia ở nam giới là 32,4%, nữ giới là 19,6%.
Như vậy, việc lạm dụng rượu, bia ở Việt Nam đã trở thành hiểm họa, gánh nặng cho xã hội, tôi đề nghị xã hội sớm thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia để luật đi vào cuộc sống và được thực thi một cách nghiêm túc", đại biểu Vân bày tỏ.
Nữ đại biểu Điện Biên gópy ý việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội việc không quy định thời gian cấm bán rượu đối với mọi đối tượng từ 22h đêm đến 7h sáng ngày hôm sau.
"Tôi cho rằng như vậy là chưa chặt chẽ, chưa khoa học. Tôi cho rằng cần thiết phải quy định thời gian cấm bán rượu bia đối với mọi đối tượng từ 22h đêm đến 7h sáng ngày hôm sau, vì đây là thời gian gia đình và hàng xóm nghỉ ngơi, cần phải cấm để tránh mất trật tự an ninh, ồn ào cũng như con người cần phải có thời gian nghỉ ngơi để đào thải chất độc ra ngoài cơ thể.
Mặt khác, những người mua rượu, bia sau 22h đêm thường là những người nát rượu, nghiện rượu, họ không làm chủ được hành vi của mình nên cần thiết phải đưa quy định này vào điều cấm của dự thảo luật", bà Vân nói.
Ngoài ra, nữ đại biểu Điện Biên cũng góp ý về chính sách của Nhà nước trong việc phòng, chống tác hại của rượu, bia.
"Tại khoản 4 Điều 3 quy định khen thưởng kịp thời cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tôi đề nghị được bổ sung thêm đối tượng được khen thưởng, bao gồm hộ gia đình, thôn, bản, tổ dân phố tích cực trong công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia nhằm góp phần động viên, khích lệ, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng gia đình hóa. Nếu như hộ gia đình, thôn, bản, tổ dân phố, mà có nhiều người nát rượu, nghiện rượu thì không được công nhận hộ gia đình, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa", đại biểu Vân đề xuất.
Ngoài ra, nữ đại biểu Điện Biên còn góp ý về khoản 1 Điều 17 quy định hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu không nhằm mục đích kinh doanh phải có bản tự kê khai gửi Uỷ ban nhân dân cấp xã về sản lượng sản xuất rượu, phạm vi sử dụng, cam kết không được bán rượu ra thị trường.
"Nếu rượu được sản xuất thủ công đã qua kiểm nghiệm chất lượng men thì tại sao không được bán ra thị trường. Thực tế, nhiều nơi sản xuất rượu thủ công rất ngon và được coi là đặc sản của vùng miền đó.
Ví dụ, quê tôi có rượu Mông tê nấu bằng men lá tự làm và ủ lá chè tuyết san rất ngon. Nhiều khách đến đó rất muốn mua những đặc sản rượu này nhưng theo quy định của luật sẽ không được bán ra thị trường. Theo tôi, nếu như rượu được sản xuất thủ công nhưng đạt các điều kiện về an toàn thực phẩm thì không nên siết chặt như vậy. Trường hợp, rượu không đạt tiêu chuẩn theo quy định về an toàn thực phẩm thì nhất định phải cấm sản xuất, tiêu thụ đối với cá nhân và hộ gia đình sản xuất rượu thủ công đó", đại biểu Quàng Thị Vân góp ý.
Bình luận