Trưa 13/6, phát biểu tại hội trường, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) tranh luận với một số ý kiến cho rằng cần phải mở rộng phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư.
"Tôi cho rằng, dường như có một sự nhầm lẫn gì ở đó xung quanh vấn đề này. Ngay cả khi xem xét lại các quy định của Bộ luật Hình sự quy định về nhóm tham nhũng tôi cũng đã giật mình và cho rằng chúng ta cũng đã có sự nhầm lẫn.
Nhóm tham nhũng trong đó hối lộ và nhận hối lộ nhưng theo quy định của luật hiện hành cũng như của dự thảo tại Điều 3 chúng ta thấy rằng chủ thể phải là chủ thể đặc biệt. Không thể đưa một chủ thể không có giá trị đặc biệt này vào hành vi tham nhũng được", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ quan điểm.
Vị đại biểu Bến Tre cũng đưa ra ví dụ để chứng minh cho quan điểm của mình.
"Ví dụ, một người dùng tiền để chạy chức cho con mình, chạy quyền cho con trai mình. Anh ta phạm tội hối lộ là rõ ràng, nhưng nói anh ta tham nhũng có vẻ xã hội không công nhận. Người nhận hối lộ đó chính là người tham nhũng, bởi vì có chức, có quyền. Chúng ta không thể chấp nhận một chủ thể không có giá trị để gọi là tham nhũng và đưa cho họ một danh hiệu cao quý là họ tham nhũng", đại biểu Nhưỡng nói.
Bên cạnh đó, vị Uỷ viên Thường trực các vấn đề xã hội cũng cho biết nhận được ý kiến của một số cử tri đề nghị đại biểu Quốc hội cân nhắc giúp, hiện nay trong khu vực công nhà nước không thể chống được, bây giờ mở ra khu vực ngoài thì lấy đâu công sức, lấy đâu nguồn lực để làm.
"Liệu chúng ta có thể làm được không hay là ghi vào luật chỉ làm thêm rắc rối. Từ bất lực một đến bất lực hai dẫn đến chỗ Nhà nước ta có lỗi hơn với người dân và lỗi hơn với cử tri. Tôi đề nghị cân nhắc chỗ này và hết sức lưu ý vấn đề đại biểu Thu Trang đoàn Nghệ An nêu. Chúng ta tập trung mọi nguồn lực, mọi trí tuệ để chống quyết liệt ở khu vực công", đại biểu Nhưỡng đề xuất.
Ngoài ra, ông Nhưỡng cũng nhắc lại vấn đề đã nêu ở kỳ họp thứ 4, chống tham nhũng không phải sử dụng con dao là Luật Phòng, chống tham nhũng này được.
"Đây không phải con dao duy nhất để phòng, chống tham nhũng. Chúng ta có rất nhiều luật để phòng, chống tham nhũng, trong đó có Bộ luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Hành chính, Luật Đầu tư công v.v... nếu chỉ trông vào một luật này thì không hiệu lực. Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội lưu ý luật cần quán xuyến đảm bảo có ảnh hưởng toàn cục là khu vực công và tư nhưng việc mở rộng khu vực tư theo ý nghĩa đó thì không đúng với lý luận khoa học và thực tiễn", đại biểu Nhưỡng bày tỏ.
Sau phát biểu của ông Nhưỡng, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) xin tranh luận các ý kiến đại biểu Nhưỡng đã nêu.
"Tôi muốn tranh luận lại với ý kiến của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. Đại biểu có phê phán trong phát biểu của một số đại biểu là có sự nhầm lẫn. Tôi nghĩ chính sự phân tích của đại biểu thì nó lại nhầm lẫn ở chỗ đại biểu lấy một ví dụ và rồi khẳng định rằng tội hối lộ không phải là tội tham nhũng. Tại sao lại có thể suy nghĩ như vậy, trong khi không có tội phạm cụ thể nào gọi là tội tham nhũng mà có nhóm tội phạm về tham nhũng, trong đó có 7 tội và cụ thể là có tội hối lộ", đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu ý kiến.
Ngoài ra, ông Cương cũng không đồng tình với quan điểm chỉ nên tập trung chống tham nhũng trong khu vực công.
"Đại biểu có nói là chống tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước thì làm sao nhãng chống tham nhũng ở khu vực nhà nước thì như vậy có lỗi với dân. Tôi nghĩ việc để tình trạng tham nhũng ở khu vực nào thì cũng đều là có lỗi và ở đâu cũng phải chống tham nhũng và việc chống tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước tôi nghĩ xuất phát từ thực tiễn", ông Cương bày tỏ quan điểm.
Vị đại biểu tỉnh Ninh Thuận cho biết khi họp tổ đã lấy một ví dụ về chuyện liên quan đến các hiệp hội. "Trong đó có hiệp hội VATAP, tức là Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam mà vinh danh 10 thương hiệu về thuốc sản xuất bằng than tre để chữa bệnh ung thư. Thưa với Quốc hội, đấy là khu vực ngoài nhà nước, để tình trạng như vậy thì có lỗi với dân hay không? Tôi xin hỏi đại biểu Lưu Bình Nhưỡng", đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đặt câu hỏi.
Kết thúc phần tranh luận của ông Cương, Quốc hội cũng kết thúc phiên làm việc trong buổi sáng. Buổi chiều, các đại biểu tiếp tục phát biểu về Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi.
Video: Đại biểu Quốc hội đề xuất có `Dũng sĩ diệt tham nhũng`
Bình luận