• Zalo

Đại biểu Bùi Thị An: Nên công bằng với Bộ trưởng Y tế

Thời sựThứ Năm, 13/11/2014 04:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội cho rằng, phải có sự chia sẻ để cho Bộ trưởng Y tế có thời gian xử lý đến tận cùng những tồn tại của ngành.

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội cho rằng, phải có sự chia sẻ để cho Bộ trưởng Y tế có thời gian xử lý đến tận cùng những tồn tại của ngành.

Ngày 15/11, lần thứ 2 Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Đây cũng là sự kiện được đông đảo cử tri mong đợi.

Trả lời phỏng vấn phóng viên VTC News bên ngoài hành lang Quốc hội, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm đã là hình thức giám sát rất tốt của Quốc hội đối với các Bộ trưởng, trưởng ngành.

Trước nhiều ý kiến lo ngại về tính chính xác của kết quả lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu An cho rằng cá nhân bà cũng như tất cả các ĐBQH khi bỏ phiếu, đều xuất phát từ lợi ích của cử tri, của nhân dân để có sự đánh giá chính xác, khách quan nhất.
 

“Bộ trưởng nào làm được gì cho dân, giúp gì cho sự phát triển đất nước, lá phiếu sẽ nói rõ tất cả”, bà An nói.

Bà Bùi Thị An "Mỗi Bộ trưởng sẽ đều tự biết mình được tín nhiệm như thế nào"

- Nhiều ý kiến cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ là hình thức, người tín nhiệm thấp hay tín nhiệm cao vẫn “tại vị” như thường. Quan điểm bà về vấn đề này?

Tôi cho rằng lấy phiếu tín nhiệm là một hình thức giám sát rất có tác dụng. Quan sát trong thực tiễn thì có thể thấy những người được lấy phiếu tín nhiệm, đặc biệt là ở các cơ quan hành pháp, thì thấy rằng tất cả đều đã rất nỗ lực.

Tuy là ở mức độ khác nhau, nhưng các bộ trưởng, các trưởng ngành đều đã có nỗ lực rất lớn, để khắc phục những khiếm khuyết của mình thể hiện ít nhất là qua lá phiếu của Quốc hội bỏ lần trước.

ĐBQH Bùi Thị An
Bây giờ nói đã chính xác chưa? Chuyện này ta bàn sau. Nhưng cơ bản tôi nhận thấy, một số vị trí lần trước mà có phiếu tín nhiệm thấp thì các đồng chí đã cố gắng hết sức để sửa chữa trong lĩnh vực của mình, và đã tạo ra sự chuyển biến rõ rệt, đó là một cái tốt.


Như vậy rõ ràng mục tiêu đã đạt được rồi. Các đại biểu chúng tôi giám sát, đã nhận thấy điều đó, nhiều lãnh đạo bộ ngành đã cố gắng lên rồi. Chúng tôi chỉ mong thế thôi.

- Theo bà, việc lấy phiếu tín nhiệm nên được duy trì theo hình thức nào để đảm bảo tính khách quan, minh bạch?


Trước tiên, tôi khẳng định lại chúng ta nên tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm. Còn phương thức làm thế nào để hiệu quả hơn thì ta phải bàn thêm.

Ví dụ như mức độ thì nên thế nào? Ngay từ đầu tôi vẫn đưa quan điểm là chỉ nên 2 mức thôi, chứ không nên 3 mức, rất khó.

Hai mức nó rõ ràng hơn, tốt hoặc không tốt, chứ không có chuyện lưng chừng, nhất là đối với con người, cũng khó. Màu sắc thì có thể có nhiều màu, cái này có thể đỏ, cái này có thể trắng, cái này có thể nhờ nhờ, nhưng con người thì không nên thế.

Lấy phiếu tín nhiệm là hình thức giám sát của Quốc hội và khi bỏ phiếu chỉ mong rằng đánh giá công việc mà các lãnh đạo bộ ngành được giao, những đồng chí mà Quốc hội bỏ phiếu, gọi là phê chuẩn ấy, thì chúng tôi muốn các đồng chí khắc phục những khiếm khuyết, những công việc mà chúng tôi cảm thấy chưa được thì cố gắng khắc phục, làm tốt hơn. Chỉ cần vậy thôi. Nay thì các đồng chí ấy đã khắc phục, tôi cho rằng đã được rồi.

 

Y tế thì phải nói thế này, vừa qua có nhiều vấn đề của ngành này nó bung ra. Có mấy lý do. Một là thực tế nó tồn tại như thế, hai là có những vấn đề tồn tại từ lâu giờ mới bung ra. Cái này cũng chẳng phải là lỗi riêng của Bộ trưởng đương nhiệm, bởi vì cái việc quản lý công việc của ngành nó là chuỗi thời gian, nó kế tục nhau, cho nên đánh giá phải rất công bằng.
 
- Cụ thể, theo bà ngành nào có sự chuyển biến rõ nét nhất sau lần lấy phiếu tín nhiệm cách đây 1 năm?


Về cái này tôi sẽ không nói cụ thể, vì như thế nó không khách quan. Nhưng tôi nghĩ chắc chắn có sự chuyển biến ở một số ngành như giao thông vận tải, ngân hàng, hay y tế, công thương…

Không phải riêng tôi mà nhiều người đều nhận thấy các tư lệnh ngành này đều có những hàng động rất quyết liệt, rất mạnh mẽ. Có ngành còn cho thấy có sự đột phá, tạo sự chuyển biến rõ rệt. Đó là kết quả của việc bỏ phiếu tín nhiệm mà Quốc hội đang làm.

- Với ngành Y tế, như bà vừa nói cũng đã có sự chuyển biến nhất định sau thời gian qua. Tuy nhiên hiên vẫn có những ý kiến nhận xét lĩnh vực này vẫn còn nhiều mặt tồn tại chưa giải quyết được, thưa bà?

Y tế thì phải nói thế này, vừa qua có nhiều vấn đề của ngành này nó bung ra. Có mấy lý do. Một là thực tế nó tồn tại như thế, hai là có những vấn đề tồn tại từ lâu giờ mới bung ra. Cái này cũng chẳng phải là lỗi riêng của Bộ trưởng đương nhiệm, bởi vì cái việc quản lý công việc của ngành nó là chuỗi thời gian, nó kế tục nhau, cho nên đánh giá phải rất công bằng.

Sở dĩ thời gian gần đây mọi người biết được nhiều vấn đề của ngành y tế như vừa qua là do các phương tiện thông tin đại chúng nó free (tự do) hơn, nên thông tin rộng rãi, mọi người biết nhiều hơn. Nhưng tôi cũng biết, trước những vụ việc ấy thì Bộ trưởng Y tế cũng đã lao vào việc để xử lý.

Đương nhiên là bây giờ việc xử lý nó không thể hết ngay được, nên cũng phải có sự chia sẻ để cho Bộ trưởng Y tế có thời gian để có thể xử lý đến tận cùng.

- Có ý kiến đánh giá Bộ trưởng Y tế chưa thực sự quyết liệt trong việc xử lý các vụ việc nên ngành này mới chưa có nhiều chuyển biến?

Chúng ta phải nhìn nhận mọi việc một cách công bằng. Mọi đòi hỏi, mong muốn đối với các Bộ trưởng, trưởng ngành nên xuất phát từ thực tiễn. Như tôi nói, ngành nào cũng có những tồn tại, có cái tồn tại từ lâu, đến thời Bộ trưởng đương nhiệm giải quyết, thì phải có thời gian để xử lý dần dần mới được.

Tất nhiên có những việc có thể xử lý ngay được, chấm dứt ngay được, như kiểu nếu  ngã thì bảo đứng dậy ngay thì đứng dậy ngay được, thì mới đòi hỏi kết quả ngay. Nhưng bây giờ chẳng hạn như bệnh đau xương, đau khớp thì phải chữa dần dần, chứ không thể nói khỏi ngay là khỏi ngay được. Tôi lấy ví dụ thế.

Bởi vậy tôi cho rằng chúng ta nên có thời gian cho các Bộ trưởng y tế khắc phục, chứ chắc chắn Bộ trưởng Y tế cũng muốn khắc phục ngay lắm, nhưng chưa thể được thôi. Chúng ta phải nhìn nhận trên cơ sở đấy để đánh giá cho công bằng.

Hoàng Lan
Bình luận
vtcnews.vn