Trên đường trở về khu cắm trại ở Cromarty Wetlands, Queensland, nhiếp ảnh gia Clarke Espie nghe thấy tiếng kêu thét phát ra từ trên cao, Unilad hôm 8/3 đưa tin. Espie chụp lấy máy ảnh theo phản xạ rồi ngước lên. Ông kinh ngạc khi nhận ra đó là một con lợn nhỏ nằm trong móng vuốt của đại bàng.
"Dù sở hữu đôi cánh mạnh mẽ, đại bàng biển phải xoay xở một lúc để bay lên cao. Nó thả lợn hoang xuống một hòn đảo nhỏ trong khu đất ngập nước rồi chia sẻ con mồi với một con đại bàng biển khác", ông kể lại.
"Đây là một trong những cảnh tượng khác thường nhất mà tôi từng thấy. Ban đầu tôi nghĩ đó là một con cá. Nhưng khi nhìn kỹ, tôi nhận ra con mồi là lợn hoang, nặng chừng 5 kg. Tôi chưa từng thấy cảnh tượng nào như vậy", Espie cho biết.
Lợn hoang Queensland thường được coi là sinh vật gây hại vì chúng làm cỏ dại lan rộng, giảm chất lượng của đất và nước, ăn sinh vật bản địa, gây hại cho cây trồng và vật nuôi. Theo ước tính, Australia có khoảng 24 triệu con lợn hoang.
Sải cánh của đại bàng biển bụng trắng có thể dài tới hơn 2,1 m. Người ta thường bắt gặp chúng đậu trên cành cây cao, bay trên mặt nước và vùng đất ven biển Australia. Đại bàng biển bụng trắng phần lớn sống theo lãnh thổ, một số sống du cư. Chúng chung thủy với một bạn tình. Khi bạn tình chết, chúng mới đi tìm đối tượng mới. Loài chim này chủ yếu ăn động vật dưới nước như cá, rùa, rắn biển, nhưng cũng ăn cả chim và các loài thú. Chúng là những kẻ săn mồi điêu luyện, có thể tấn công con mồi lớn như thiên nga.
"Tôi từng thấy đại bàng biển bụng trắng sà xuống thấp để bắt mồi bằng những chiếc vuốt lớn và đầy sức mạnh. Chúng quắp cá, chim, rùa, thỏ, dơi và nhiều con vật khác, nhưng lợn hoang thì thực sự rất hiếm. Tôi vô cùng sửng sốt", Espie chia sẻ.
Bình luận