Video: Đại án Phạm Công Danh: Làm rõ 4.500 tỷ đồng VNCB tăng vốn điều lệ bất thành
Sáng nay (30/1), phiên tòa xét xử vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục diễn ra.
Viện kiểm sát, các luật sư tiếp tục tham gia tranh tụng. Sau phiên tranh tụng buổi sáng thì tòa nghỉ buổi chiều và ngày thứ 4. Thứ 5, tòa tiếp tục.
Sáng nay, luật sư Lê Thị Tường Vy bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ cho Sacombank lên tranh tụng bổ sung.
Luật sư hoàn toàn không đồng tình quan điểm của Viện kiểm sát trong việc yêu cầu 3 ngân hàng trả tiền cho VNCB, cho rằng nó không phản ánh đúng vụ án và không phù hợp với các quy tắc kinh tế.
Luật sư Tường Vy cho rằng các tổ chức tín dụng trong đó có VNCB hoàn toàn được cầm cố tiền gửi. Do vậy, Sacombank nhận cầm cố tiền gửi của VNCB là đúng. Hơn nữa, VNCB đã có nghị quyết HĐQT phê duyệt các giao dịch nói trên.
Luật sư Vy cũng nhấn mạnh, về nguyên tắc khi cho vay của các ngân hàng là đảm bảo an toàn vốn cho vay. Sacombank đã cho vay và đảm bảo an toàn vốn của ngân hàng nên không có lý do gì để cho rằng Sacombank sai phạm.
Luật sư cho rằng, các hồ sơ vay đều thể hiện rõ ràng rằng phương án vay vốn là khả thi và việc cho vay là đúng.
Theo luật sư, Sacombank cho vay đúng và không có nghĩa vụ liên đới đến thất thoát xảy ra tại VNCB. Việc cố cho rằng Sacombank đồng phạm với VNCB và gây ra thất thoát là khiên cưỡng.
Ngân hàng Nhà nước đã xác định rằng những giao dịch cầm cố tiền gửi giữa Sacombank và VNCB là đúng quy định. Theo luật sư thì mọi giao dịch là đúng với quy định hiện hành.
Luật sư Vy khẳng định: "Sacombank không giao dịch với các cá nhân ông Phạm Công Danh hay Phan Thành Mai mà là giao dịch với các công ty và ngân hàng VNCB.
Giao dịch đã hoàn tất 4 năm và không có bên nào có ý kiến liên quan. Bây giờ, khởi tố vụ án lại đưa Sacombank vào sai phạm và phải trả tiền cho VNCB là hoàn toàn vô lý.
Sacombank không hề có lỗi, thực hiện giao dịch hoàn toàn tự nguyện, đã 4 năm không có ai có ý kiến khác. Sacombank không làm gì trái quy định pháp luật thì cũng không có lý do gì phải trả tiền như đề nghị của Viện kiểm sát".
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Sacombank mong muốn HĐXX nghiên cứu, xem xét công văn của hiệp hội ngân hàng liên quan đến đề nghị của VKS cho rằng 3 ngân hàng phải trả tiền cho VNCB là không đúng.
Sau đó, luật gia Vương Công Đức bảo vệ quyền lợi của Sacombank tiếp tục phần bào chữa.
Cũng như luật sư Tường Vy, luật sư Công Đức cũng không đồng tình với quan điểm của Viện kiểm sát cho rằng 3 ngân hàng phải trả tiền cho VNCB.
Trong cáo trạng ghi rõ trách nhiệm hình sự là của 6 giám đốc công ty vay vốn Sacombank. Tuy nhiên, sau khi luận tội thì Viện kiểm sát lại yêu cầu Sacombank trả tiền cho VNCB thay cho 6 giám đốc công ty. Luật sư băn khoăn không biết điều gì khiến Viện kiểm sát thay đổi 180 độ như vậy.
Luật sư cho rằng, tại phiên tòa thì Phạm Công Danh và Phan Thành Mai đã thừa nhận sai sót và xin lỗi ngân hàng Sacombank. Không có lý do gì để yêu cầu BIDV, Sacombank, TPBank trả tiền cho VNCB cả.
Video: Trầm Bê giúp sức Phạm Công Danh thế nào trên con đường bước vào vòng lao lý?
Luật sư Công Đức cũng đặt câu hỏi, tại sao Viện kiểm sát không đưa cơ quan cảnh sát điều tra đến tòa để bảo vệ luận điểm điều tra của mình. Tranh luận của Viện kiểm sát không đưa ra điểm này. Luật sư đề nghị HĐXX, Viện kiểm sát tranh luận về vấn đề này.
Luật sư nói thêm, Viện kiểm sát đã không sử dụng kết quả giám định của Ngân hàng Nhà nước trong luận tội cũng như đưa ra kết luận cũng như tranh luận lại. Tại sao kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước lại không được xem xét kỹ lưỡng tại tòa.
Về khoản 4.500 tỷ đồng, Luật sư Đức cho rằng tại tòa, HĐXX, Viện kiểm sát chưa đi đến cùng về điểm này. Đường đi của tiền từ VNCB đến ngân hàng chúng tôi và đến 6 công ty vay vốn và đến Tập đoàn Thiên Thanh rồi thì quay về cho ông Phạm Công Danh. Vì sao Viện kiểm sát chỉ dừng dòng tiền đi tại Sacombank chúng tôi?
Luật sư một lần nữa cho rằng quan hệ cho vay, tất toán vay… đều là quan hệ dân sự nhưng lại bị đưa ra tòa này. Luật gia cho rằng lỗi xảy ra là tại VNCB nhưng bây giờ quy kết tội danh lại là quy kết sang 3 ngân hàng.
Viện kiểm sát không đặt sự công bằng lên trên trong vụ án này. Nếu yêu cầu thu hồi tiền thì không thể đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa các tổ chức kinh tế trong nền kinh tế. Tại sao thu hồi 6.126 tỷ đồng từ 3 ngân hàng trong đó 1.800 tỷ đồng tại BIDV chứ không phải 4.500 tỷ đồng?
Luật sư Đức đặt câu hỏi với Viện kiểm sát: "Viện kiểm sát yêu cầu 3 ngân hàng phải chuyển tiền cho VNCB và như thế thì tổng cộng 6.126 tỷ đồng được coi là vật chứng vụ án. Vậy, đã xác định là tiền sai phạm, tại sao không phải coi toàn bộ 4.500 tỷ đồng vay BIDV là vật chứng?".
Luật sư cho rằng vụ án đang thiên về vấn đề lấy tiền về cho VNCB chứ không phải là sự thật của vụ án. Với tư duy thu hồi như vậy thì có nghĩa là VNCB thiệt hại bao nhiêu thì thu hồi chừng đó chứ không phải là cho vay sai phạm bao nhiêu thì thu hồi chừng đó.
Tại sao rất nhiều khoản tiền khác chưa được xác định là vật chứng của vụ án trong khi tiền của 3 ngân hàng lại bị xem là vật chứng.
Bình luận