Tổng cộng, số tiền mà ông Sơn khai đã chi để "chăm sóc", quà "tình nghĩa" cho các cá nhân, tổ chức là khoảng 315 tỉ đồng, gồm 246 tỉ "lãi ngoài" từ OceanBank và 69 tỉ từ công ty BSC.
Cũng trong lời sau cùng ông Sơn xin tòa không kết án mình tội tham ô.
Để hiểu vì sao vị cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) một mực thanh minh như vậy cũng cần điểm lại đôi nét về phiên tòa.
Khi bị cáo buộc tham ô số tiền trên để chi xài cho mục đích cá nhân, ông Sơn đã vẽ lại đường đi của hơn 300 tỉ đó khi khai ra một loạt các địa chỉ nhận tiền của mình.
Ông Sơn khẳng định đã chi hết cho hoạt động đối ngoại của tập đoàn PVN, tháp tùng các đoàn công tác cao cấp, đi đàm phán một số hiệp định dầu khí, đi công tác cùng Bộ Công thương ở nước ngoài.
Trong danh sách có cả chức danh vụ trưởng, thứ trưởng, thậm chí cả bộ trưởng và những người này phong bì, tùy chức vụ, từ 50-200 triệu đồng.
Theo lời ông này, việc chi tiền trong những chuyến công tác này "đều vì lợi ích quốc gia", còn một số địa chỉ là "vì tình nghĩa".
Khi tòa hỏi: liệu biếu 200 triệu đồng cho một người thì có còn là tình nghĩa hay không, ông Sơn trả lời đại ý quà biếu đấy là truyền thống lễ tết và đó cũng là nỗi khổ của doanh nghiệp.
"Được đi tặng quà là vui, lo tiền quà còn khổ hơn nữa", ông Sơn thú nhận.
Câu chuyện của món quà ‘tình nghĩa’ đó, oái oăm thay, lại đi ngược với luật pháp khi theo Luật Phòng chống tham nhũng những món quà biếu 500.000 đồng trở lên đều bị Nhà nước cấm.
Nỗi khổ của ông Xuân Sơn nói cho rộng ra cũng là nỗi khổ biếu xén, điếu đóm của rất nhiều doanh nghiệp, trở thành một thông lệ trong đời sống kinh doanh hiện tại.
Người đưa cũng biết là sai, người nhận cũng biết đó là điều không đúng, vì thế chẳng có hóa đơn, chẳng có lấy một biên nhận để chứng minh.
Tình huống trớ trêu hiện tại đặt ra là với những người, trong một lần vui đó, lỡ tay nhận món quà tình nghĩa gấp 400 lần quy định cấm đó, nay nếu theo lời kêu gọi của ông Nguyễn Xuân Sơn, thì nên làm như thế nào?
Video: Những lời xót xa sau cùng của Hà Văn Thắm tại tòa
Theo lẽ thì người nhận phải trả lại quà tặng đó vì đã nhận quá mức tình cảm, vi phạm pháp luật. Phải trả lại, đấy là về lý!
Nhưng vấn đề là những người nhận tiền sẽ có thể phủi tay bởi vì những món quà tình nghĩa đó mới chỉ là lời khai một chiều và không bằng không chứng.
Chính vì thế, nếu đem trả lại, hóa ra là tự nhận mình vi phạm pháp luật, và là cách tự thú? Và mấy ai sẽ hưởng ứng lời ông Nguyễn Xuân Sơn, để giúp mình "thanh thản" và "hưởng lượng khoan hồng"?
Nhưng, ngay cả trong trường hợp đó, họ sẽ trả cho ai, và trả như thế nào và được "khoan hồng" ra sao?
Hay ví thử, những người nhận tiền, chọn một cách làm khác "vì tình" để "thanh thản" hơn như mang những đồng tiền xương máu trên để đi làm từ thiện, hay xây một ngôi trường chẳng hạn, thì có nên hay không?
Bình luận