• Zalo

Đại án bầu Kiên: Ngân hàng Nhà nước chối trả lời

Pháp luậtThứ Bảy, 24/05/2014 10:02:00 +07:00Google News

(VTC News) - Sáng nay (24/5), TAND Thành phố Hà Nội tiếp tục ngày xét xử thứ 5 đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm.

(VTC News) - Sáng nay (24/5), TAND Thành phố Hà Nội tiếp tục ngày xét xử thứ 5 đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm.

Mở đầu phiên xử, HĐXX mời đại diện ngân hàng Kienlongbank là ông Nguyễn Thanh Minh. Ông Minh cho biết, Kienlongbank và Ngân hàng ACB là mối quan hệ đối tác. "Quan hệ giao dịch liên ngân hàng giữa hai đơn vị là thường xuyên, hàng ngày" vại đại diện ngân hàng Kienlongbank nói.
Năm 2010, KienLongbank phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Đối với thành viên của Ngân hàng ACB có các bị cáo Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang là cổ đông của ngân hàng này. Riêng bị cáo Nguyễn Đức Kiên không có cổ phần hay cổ đông của Kienlongbank.
 Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa sáng nay
Theo HĐXX, năm 2009, ngân hàng KienLongbank vay của Ngân hàng ACB 1000 tỷ đồng (theo cáo trạng). Ông Minh cho rằng không phải năm 2009 mà là năm 2010. Việc vay tiền thông qua giao dịch liên ngân hàng do nhu cầu sử dụng vốn. Ông Minh cũng khẳng định không cho Công ty ACBS vay tiền.
Qua hai đợt phát hành trái phiếu của công ty chứng khoán thuộc ngân hàng ACBS, ngân hàng KienLongbank mua với trị giá hơn 1500 tỉ đồng.
HĐXX tiếp tục mời ông Bình, đại diện ngân hàng VietBank.
Theo ông Bình, trong năm 2009 - 2010, Ngân hàng Vietbank có nhiều giao dịch liên ngân hàng với Ngân hàng ACB. Việc giao dịch là qua lại hai chiều. “Số tiền giao dịch rất lớn nên không nhớ bao nhiêu”, ông Bình nói trước tòa.
Trả lời câu hỏi Viện Kiểm sát, ông Bình cho biết, không nắm được việc Ngân hàng Vietbank có vay tiền của Ngân hàng ACB mua trái phiếu hay không. Viện Kiểm sát buộc phải dẫn lại cáo trạng việc giao dịch tiền giữa hai ngân hàng trong việc mua trái phiếu.
Luật sư Vũ Xuân Nam (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Kiên) đặt câu hỏi cho đại diện Ngân hàng Nhà nước.
Trước hàng loạt câu hỏi của luật sư, vị đại diện Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã tỏ ra ấp úng và từ chối trả lời một số câu hỏi với các lý do là không đúng chuyên môn, không thuộc lĩnh vực và không nhớ?

Đại diện Ngân hàng nhà nước từ chối trả lời nhiều câu hỏi của luật sư 
Cụ thể, Luật sư hỏi: Có phải người dân phải được phép của NHNN mới được đi gửi tiền không? Đại diện NHNN trả lời, về khái niệm này tôi xin không trả lời, tôi không nhớ. Tôi không thuộc bộ phận quản lý lĩnh vực này.
Luật sư tiếp tục hỏi: Về hoạt động ủy thác, việc ngân hàng ủy thác cho cá nhân đem tiền gửi ngân hàng khác, từ 2002 đến bây giờ khi Luật Tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực, thì NHNN có luật khác nào quy định không?
Đại diện NHNN: Hôm qua đại diện NHNN đã trả lời rồi, tôi xin phép không trả lời.
Luật sư: Việc người dân đi mở tài khoản, đem tiền đến nộp ngân hàng thì có liên quan đến hoạt động ngân hàng không?
Đại diện NHNN: tôi xin phép không trả lời câu hỏi này.
Luật sư: QĐ 742 và Thông tư 04 (2012) có điều chỉnh quan hệ ngân hàng ủy thác cho người dân đi gửi tiền vào ngân hàng khác không?
Đại diện NHNN: Điều này cũng trả lời rồi (cầm văn bản đọc lại QĐ 742). Trong quy định như thế nào thì cứ thế mà theo thôi. 
Luật sư: việc mở tài khoản và sử dụng tài khoản, có bao nhiêu loại tài khoản, có gì khác nhau không?
Đại diện NHNN: tôi không nhớ hết.
Luật sư: trách nhiệm quản lý tài khoản và trách nhiệm quản lý tài sản khác nhau như thế nào, NHNN có nắm được không? Có quy định là người dân quản lý tài sản (tiền) đã gửi vào NH không?
Đại diện NHNN: tôi chưa trả lời được, sẽ về hỏi rồi trả lời sau.

H.Chiến
Bình luận
vtcnews.vn