Hôm 3/1, đại sứ Liên hợp quốc của Mỹ Linda Thomas-Greenfield cho biết bà vẫn coi ông Kyaw Moe Tun là đại diện cho Myanmar tại Liên hợp quốc. Dù hai ngày trước đó, cơ quan truyền thông của Myanmar đã thông báo sa thải ông Moe Tun.
Stephane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc, cho biết các vấn đề liên quan đến ông Kyaw Moe Tun sẽ được giải quyết tại ủy ban thông tin của Liên hợp quốc. Ủy ban này đã không xử lý việc sa thải ông Moe Tun.
Ông Kyaw Moe Tun bị Myanmar tuyên bố cách chức vì "phản bội đất nước” và “lạm dụng đặc quyền và chức trách của một đại sứ". Trước đó, ông đã kêu gọi cộng đồng quốc tế "hành động quyết liệt” để chấm dứt sự đàn áp của quân đội Myanmar và thả tự do cho bà Aung San Suu Kyi.
“Chúng tôi được truyền cảm hứng từ tuyên bố dũng cảm của ông Kyaw Moe Tun. Chúng tôi chưa thấy bất kỳ bằng chứng chính thức hoặc yêu cầu nào về việc ông ấy bị sa thải, hiện tại ông ấy vẫn là đại diện của chính phủ Myanmar”, bà Thomas-Greenfield cho biết hôm 1/3.
“Mỹ cam kết… thúc ép quân đội (Myanmar) lật lại các hành động của họ và khôi phục chính phủ dân chủ. Nhưng tình thế trước mắt chúng ta không hề cho thấy rằng họ sẵn sàng thực hiện điều mà tôi cho là một quyết định dễ dàng cho họ”, đại sứ Thomas-Greenfield nói thêm.
Bà Thomas-Greenfield cũng đề cập đến vụ việc cảnh sát Myanmar nổ súng đàn áp người biểu tình vào cuối tuần qua, khiến ít nhất 18 người chết và hơn 30 người bị thương.
Hôm 27/2 là ngày biểu tình đẫm máu nhất ở Myanmar kể từ cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2. Các lực lượng an ninh nước này mở rộng các biện pháp đàn áp mạnh tay với người tuần hành trên cả nước, dù Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing từng khẳng định chính quyền vẫn đi theo con đường dân chủ và cảnh sát hạn chế sử dụng vũ lực.
Bình luận